Tin tức

Cách nặn mụn đầu đen ở mũi tại nhà với 7 bước không để lại thâm sẹo

Mụn đầu đen ở mũi rất phổ biến và xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là thanh thiếu niên. Các nốt mụn đầu đen gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và để lại nhiều hậu quả như lỗ chân lông to và phát triển thành mụn bọc. Vì vậy, nhiều người thường nặn mụn đầu đen tại nhà với mong muốn da nhanh hồi phục và mịn màng trở lại. Tuy nhiên, người bệnh nặn mụn không đúng cách có thể khiến da tổn thương và gặp nhiều biến chứng. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách nặn mụn đầu đen ở mũi tại nhà với 7 bước không để lại thâm sẹo.

Có nên nặn mụn đầu đen ở mũi không?

Không, việc nặn mụn đầu đen ở mũi bằng tay không đảm bảo vệ sinh có thể đưa vi khuẩn vào sâu bên trong lỗ chân lông. Hơn nữa, việc này không lấy được hết nhân mụn mà còn đẩy mụn đầu đen vào sâu trong da hơn.

Ngoài ra, nặn mụn đầu đen không đúng cách còn làm lỗ chân lông to ra hơn, mụn lan rộng hơn, thậm chí có thể làm da kích ứng, gây viêm, đau và để lại sẹo. Vì vậy, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da để được khám, chẩn đoán, điều trị và lấy nhân mụn đúng cách, ngăn tình trạng mụn tái phát.

Hướng dẫn cách nặn mụn đầu đen ở mũi tại nhà theo từng bước bài bản

Các bước nặn mụn đầu đen ở mũi tại nhà, bao gồm:

1. Nhận diện, xác định đúng mụn đầu đen ở vùng mũi

Trước khi nặn, cần xác định đúng mụn đầu đen vì những chấm đen xuất hiện trên mũi đôi khi là sợi bã nhờn tích tụ. Những sợi này xuất hiện khi lượng nhỏ dầu thừa, tế bào chết tích tụ trong lỗ chân lông hình thành các chấm đỏ hoặc đốm nhỏ màu đen hoặc xám.

Mụn đầu đen nằm sát trên bề mặt da, kích thước lớn hơn, nhô cao lên khỏi bề mặt da hơn so với sợi bã nhờn. Da chúng ta không thể thiếu sợi bã nhờn, việc nặn tận gốc hay cố gắng loại bỏ các sợi này là không cần thiết, thậm chí da có thể tổn thương. Vì vậy, người bệnh cần biết cách nhận diện và xác định đúng mụn đầu đen ở mũi trước khi tiến hành lấy nhân mụn ra khỏi da.

2. Chuẩn bị các dụng cụ nặn mụn đầu đen

Một số dụng cụ nặn mụn đầu đen cần chuẩn bị, bao gồm:

  • Tăm bông kháng khuẩn.
  • Bông tẩy trang.
  • Nước ấm.
  • Các loại mỹ phẩm làm sạch da như nước tẩy trang, sữa rửa mặt, toner, serum,…

3. Làm sạch da, khử khuẩn dụng cụ

Trước khi nặn mụn đầu đen, hãy tẩy trang và dùng sữa rửa mặt lành tính, dịu nhẹ, có độ pH thích hợp để tẩy bụi bẩn, dầu thừa và lớp trang điểm trên da. Điều này giúp lỗ chân lông giảm bít tắc, da thông thoáng hơn.

4. Xông hơi vùng mũi để khiến các lỗ chân lông vùng mũi nở ra

Xông hơi vùng mũi khiến các lỗ chân lông nở ra, làm mềm nhân mụn bên trong, việc nặn mụn cũng dễ dàng hơn. Người bệnh cần chuẩn bị một miếng bông tẩy trang đã được làm ẩm bằng nước ấm. Dùng miếng bông này đắp lên vùng da cần nặn khoảng 5 - 10 phút để da mềm và lỗ chân lông giãn nở ra. Lúc này, nhân mụn ra có thể được lấy ra dễ dàng, ít gây đau và giảm thiểu tối đa những tổn thương trên da.

5. Tiến hành lấy nhân mụn đầu đen xung quanh vùng mũi

Người bệnh dùng tăm bông kháng khuẩn hoặc vùng da đầu ngón tay đã rửa sạch ấn nhẹ lên vùng da xung quanh mụn đầu đen. Hãy thử dùng nhiều lực ấn và nhiều vị trí đặt tay khác nhau để để lấy nhân mụn đầu đen ra ngoài.

Lưu ý, tránh nặn mụn bằng móng tay hoặc cố gắng ấn mạnh vì da sẽ bầm và tổn thương. Nếu nhân mụn đã được lấy ra hết, hãy dừng lại và làm bước hồi phục tiếp theo. Nếu người bệnh không lấy hết nhân mụn ra được nên dừng lại để da hồi phục, không cố gắng nặn làm tổn thương da.

6. Làm sạch da sau khi nặn

Sau khi lấy nhân mụn đầu đen ra khỏi da, người bệnh cần thực hiện khử trùng da bằng cồn y tế. Đây là bước quan trọng trong quy trình chăm sóc da sau nặn mụn, khử trùng giúp tiêu diệt vi khuẩn trên bề mặt da và loại bỏ nhân mụn đầu đen có thể còn sót lại trên bề mặt hoặc trong lỗ chân lông.

7. Làm dịu da và dưỡng ẩm

Sau khi nặn mụn đầu đen ở mũi, hãy dùng các sản phẩm dưỡng ẩm để phục hồi, cải thiện tình trạng thâm trên da và ngăn mụn hình thành. Người bệnh cần dùng mỹ phẩm lành tính, không chứa tác nhân khiến lỗ chân lông bít tắc và nổi mụn.

ThS. BS. Vũ Thị Thùy Trang đang tiến hành lấy nhân mụn đầu đen cho người bệnh.

Cần lưu ý những gì khi quyết định nặn mụn đầu đen ở mũi tại nhà?

Sau khi nặn mụn đầu đen ở mũi, da sẽ rất nhạy cảm. Người bệnh cần lưu ý một số điều sau để da nhanh phục hồi:

  • Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng từ mặt trời và che chắn cẩn thận trước khi đi ra ngoài.
  • Không trang điểm.
  • Không chạm hoặc sờ vào vùng da vừa nặn mụn.

Nên làm gì sau khi nặn mụn đầu đen ở vùng mũi?

Một số điều cần làm sau khi nặn mụn đầu đen ở vùng mũi, gồm:

1. Làm sạch vùng da mũi sau khi nặn

Sau khi nặn mụn, người bệnh hãy dùng bông tẩy trang đã thấm nước muối sinh lý lau nhẹ lên vùng da đã nặn mụn. Sau đó, hãy lau lại da một lần nữa bằng nước sạch để các gốc muối không làm da khô và sậm màu.

2. Sử dụng toner, các sản phẩm làm sạch lành tính

Da đã vệ sinh sạch sau khi nặn, hãy thoa toner để cân bằng lại độ pH, làm dịu cảm giác đau, châm chích, cải thiện tình trạng viêm và mẩn đỏ trên da. Hơn nữa, toner giúp thu nhỏ lỗ chân lông và làm sạch da một lần nữa để ngăn mụn tái phát.

3. Không chạm tay lên mặt, vùng da sau khi nặn

Việc chạm tay lên mặt có thể vô tình khiến vi khuẩn xâm nhập vào vết thương và gây lây lan mụn. Vì vậy, người bệnh hạn chế dùng tay hoặc các vật dụng khác chạm vào mặt. (1)

4. Không sử dụng các sản phẩm có chất tẩy rửa mạnh lên da

Sau khi nặn mụn, da thường nhạy cảm, dễ tổn thương và kích ứng nên người bệnh được khuyến cáo không dùng sữa rửa mặt có chất tẩy rửa mạnh. Bởi, các hoạt chất trong sữa rửa mặt khiến da khô, căng rát và tổn thương.

Ngoài ra, người bệnh cũng không dùng các sản phẩm tẩy tế bào chết sau khi nặn mụn. Các hạt tẩy tế bào chết có thể phá bỏ hàng rào bảo vệ da tự nhiên, gây nhiễm trùng. Vì vậy, sau khi nặn mụn người bệnh nên dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ, lành tính, tránh gây kích ứng da.

5. Hạn chế trang điểm trước khi vùng da hồi phục

Người bệnh trang điểm sau khi nặn mụn, các hạt phấn trong dụng cụ trang điểm sẽ len lỏi vào lỗ chân lông, vết thương hở và gây viêm. Điều này có thể khiến mụn đầu đen tái phát.

Bài viết liên quan: 7 cách trị mụn đầu đen ở mũi tại nhà hiệu quả tận gốc dễ áp dụng

Vết thương hở sau khi nặn mụn đầu đen rất dễ tổn thương và kích ứng nên không dùng chất tẩy rửa mạnh hoặc trang điểm.

Biện pháp hạn chế mụn đầu đen ở mũi hình thành

Một số biện pháp giúp mụn đầu đen ở mũi hạn chế hình thành, bao gồm:

1. Với người có làn da nhạy cảm hoặc da khô dễ bong tróc

Người da nhạy cảm hoặc da khô dễ bong tróc cần thực hiện một số cách để ngừa mụn đầu đen ở mũi, bao gồm:

  • Dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ để tránh khô da đều đặn 2 lần/ngày vào mỗi sáng và tối.
  • Tẩy tế bào chết để 2 lần/tuần giảm tình trạng bít tắc lỗ chân lông.
  • Dùng kem dưỡng ẩm dành cho da nhạy cảm, da khô.
  • Uống đủ 2 lít nước/ ngày để cân bằng độ ẩm cho da.
  • Tẩy trang vào mỗi cuối ngày để sạch bụi bẩn, vi khuẩn và dầu thừa bám trên da. Đặc biệt, người thường trang điểm cần chú trọng bước làm sạch da này.

2. Với người có làn da tiết dầu nhiều vùng mũi

Một số biện pháp ngừa mụn đầu đen ở mũi dành cho người da dầu như:

  • Đắp mặt nạ có công dụng hấp thụ dầu thừa trên da để giảm sự hình thành và phát triển mụn đầu đen.
  • Dùng các loại mỹ phẩm chứa axit salicylic hoặc benzoyl peroxide để hòa tan bã nhờn và dầu thừa, tránh làm tắc lỗ chân lông.
  • Dùng serum retinol, kem dưỡng mỗi ngày để môi trường trên da được cân bằng.
  • Thoa kem chống nắng sau bước sử dụng mỹ phẩm để bảo vệ da khỏi tia UV, giảm kích ứng…
Nặn mụn đầu đen ở mũi bằng sai cách sẽ không lấy được hết nhân mụn mà còn đẩy mụn đầu đen vào sâu trong da hơn và lỗ chân lông to hơn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Người bệnh nên gặp bác sĩ ngay khi thấy xuất hiện mụn đầu đen ở mũi để được điều trị kịp thời và nhanh chóng lấy lại làn da mịn màng. Nếu mụn nổi gần bề mặt da sẽ có nhiều khả năng tự thoát ra ngoài thông qua các hoạt động chăm sóc da như tẩy trang, rửa mặt,… Tuy nhiên, một số mụn đầu đen nằm sâu trong da, khó tiêu biến. Vì vậy, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được khám, lên kế hoạch điều trị và lấy nhân mụn đúng cách.

Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM có các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm giúp việc tư vấn và đưa ra phương án điều trị phù hợp với từng người bệnh. Ngoài ra, bệnh viện luôn cập nhật đầy đủ máy móc, trang thiết bị tân tiến nhất như máy phân tích da A-one Simple, điện di Apollo Duet +EL, Laser Pico, Laser CO2 Fractional, IPL, HIFU, Sofwave Superb, máy hút khói, súng nitơ lỏng, cây lăn, bút lăn…nhập ở các nước như Anh, Mỹ, Hàn,… để hỗ trợ liệu trình điều trị da cho người bệnh tốt nhất.

Cách nặn mụn đầu đen ở mũi chỉ là biện pháp tạm thời, người bệnh hạn chế nặn tại nhà. Thông qua bài này, mong rằng người bệnh nắm được 7 bước thực hiện lấy nhân mụn đầu đen ở mũi tại nhà an toàn, không gây tổn thương da hoặc để lại thâm sẹo.