Tin tức

Phẫu thuật độn cằm: cách thực thực hiện và những điều cần lưu ý

1. Phẫu thuật độn cằm là như thế nào?

Phẫu thuật độn cằm là phẫu thuật thẩm mỹ được thực hiện nhằm thay đổi hình dạng, kích thước hoặc vị trí của cằm bằng các vật liệu nhân tạo hoặc cấy ghép sụn tự thân. Mục tiêu của phẫu thuật này là làm cho cằm trông cân đối hơn với tổng thể khuôn mặt, cải thiện đường viền hàm và tạo nên một diện mạo hài hòa.

Phẫu thuật độn cằm có thể được thực hiện riêng lẻ hoặc kết hợp với các phẫu thuật khác như nâng mũi, căng da mặt để đạt hiệu quả thẩm mỹ cao nhất.

Phẫu thuật độn cằm giúp chỉnh hình dáng cằm để tạo vẻ đẹp hài hòa cho khuôn mặt

2. Ai phù hợp với phẫu thuật độn cằm?

Không phải ai cũng phù hợp để thực hiện phẫu thuật độn cằm, phẫu thuật này chỉ nên được diễn ra với các trường hợp:- Cằm ngắn, cằm lẹm.

- Kích thước cằm không phù hợp với tổng thể khuôn mặt.

- Có điều kiện sức khỏe tốt, không mắc bệnh lý mạn tính hoặc bệnh lý nặng ảnh hưởng đến quá trình hồi phục.

3. Các phương pháp phẫu thuật độn cằm thông dụng hiện nay

Phẫu thuật độn cằm hiện đang được thực hiện với 2 loại vật liệu chính là sụn nhân tạo và sụn tự thân. Tùy vào từng đối tượng thực hiện mà bác sĩ sẽ tư vấn vật liệu phù hợp như sau:

3.1. Phẫu thuật độn cằm tự thân

Đây là phương pháp độn cằm sử dụng xương của chính người được độn cằm để thực hiện quá trình thẩm mỹ. Phẫu thuật diễn ra tương đối an toàn, tạo nét đẹp thon thả cho khuôn mặt.

Khi tiến hành phẫu thuật độn cằm, bác sĩ sẽ rạch một đường mảnh ngay niêm mạc môi dưới, lật vạt xương cằm và tạo hình cho cằm.

Do vật liệu được sử dụng trong phương pháp phẫu thuật này là vật liệu tự thân nên có khả năng tương thích cao với cơ thể, không lo kích ứng hay biến chứng sau phẫu thuật.

3.2. Phẫu thuật độn cằm bằng sụn nhân tạo

Phẫu thuật độn cằm sử dụng sụn nhân tạo có chi phí vừa phải, tính phức tạp không cao nên được nhiều người lựa chọn. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ gây mê và tạo đường rạch giúp bóc tách niêm mạc miệng dễ dàng để đặt sụn nhân tạo đã được cắt gọt phù hợp với khuôn mặt từ trước đó vào vị trí như mong muốn.

Vật liệu silicon dùng để độn cằm

Hiện nay có rất nhiều loại sụn nhân tạo được sử dụng để độn cằm, mỗi loại đều có sự khác biệt về giá thành, ưu - nhược điểm:

- Sụn cằm Hàn Quốc

Nguyên liệu làm nên loại sụn cằm Hàn Quốc là silicon. Tuy đây là vật liệu dễ chỉnh sửa dáng cho cằm, có tính thẩm mỹ cao nhưng vẫn tồn tại nhiều nhược điểm nên đang có xu hướng bị thay thế bởi các loại sụn khác.

- Sụn cằm Surgiform

Surgiform là sụn của Mỹ, đang được ưa chuộng trong ngành công nghệ thẩm mỹ Hàn Quốc bởi tính linh hoạt, mềm dẻo trong khâu tạo hình. Sụn Surgiform được làm từ ePTFE - nguyên liệu thường dùng để làm mạch máu nhân tạo trong y khoa, đã được chứng nhận về độ an toàn từ FDA Hoa Kỳ.

Bề mặt của sụn Surgiform chứa hàng triệu lỗ nhỏ li ti, khi đặt vào cằm sẽ dễ dàng liên kết với các mô, tạo độ tương thích cao để tránh bị đào thải. Cũng chính những lỗ nhỏ này là nơi để mạch máu len lỏi vào, giúp sụn bám chắc vào nơi cấy ghép. Nhờ đó nguy cơ biến chứng và rủi ro sau phẫu thuật được giảm thiểu.

- Sụn cằm Mỹ

Sụn cằm mỹ (Nanoform) là sụn sinh học nhân tạo dễ chỉnh sửa, nhẹ, xốp và mềm nên cũng rất dễ cho quá trình tạo hình cằm. So với sụn silicon truyền thống thì loại sụn này có độ bền cao hơn.

Bề mặt của sụn Nanoform cũng có rất nhiều lỗ nano giúp nuôi dưỡng mạch máu, tăng độ tương thích với cơ thể, hạn chế được tình trạng đào thải sụn.

4. Quy trình thực hiện phẫu thuật độn cằm

- Thăm khám và tư vấn

Trước khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ thăm khám tổng thể khuôn mặt và vùng cằm để đưa ra tư vấn về phương pháp chỉnh hình phù hợp. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ giải thích rõ về quy trình thực hiện, các vấn đề rủi ro có thể xảy ra khi phẫu thuật.

- Chuẩn bị trước phẫu thuật

Bác sĩ hướng dẫn người được phẫu thuật về việc dừng sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu thực hiện các kiểm tra sức khỏe để đảm bảo không có bệnh lý nào ảnh hưởng đến quá trình phẫu thuật.

- Thực hiện phẫu thuật

Tùy thuộc vào phương pháp và mức độ can thiệp mà bác sĩ sẽ tiến hành gây tê cục bộ hoặc gây mê toàn thân, sau đó tạo một vết rạch nhỏ phía dưới cằm để đặt chất liệu độn vào, điều chỉnh rồi khâu cố định lại.

- Chăm sóc sau phẫu thuật

Sau khi phẫu thuật độn cằm, người bệnh cần nghỉ ngơi và theo dõi tình trạng sức khỏe tại cơ sở y tế trong 1 - 2 ngày. Người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về cách chăm sóc vết thương, chế độ ăn uống và hạn chế các hoạt động mạnh trong thời gian đầu sau độn cằm.

Cằm thẩm mỹ cho khuôn mặt hài hòa sau phẫu thuật

5. Lưu ý sau khi tiến hành phẫu thuật độn cằm

Việc chăm sóc sau phẫu thuật cũng góp phần quyết định đến kết quả cuối cùng của quá trình phẫu thuật độn cằm. Để nhận được một kết quả thẩm mỹ như ý muốn, người bệnh nên:

- Giữ vệ sinh vùng phẫu thuật sạch sẽ, tránh để nhiễm trùng. Nếu có dấu hiệu bất thường như sưng tấy, đau nhức, hãy liên hệ ngay với bác sĩ.

- Nên ăn những thực phẩm mềm, dễ tiêu trong những ngày đầu sau phẫu thuật. Tránh ăn những thức ăn cứng, dai để không gây áp lực lên vùng cằm.

- Tránh va chạm hoặc sờ nắn vùng cằm trong thời gian đầu sau phẫu thuật để không làm lệch chất liệu độn.

- Đến gặp bác sĩ theo lịch hẹn để kiểm tra và đánh giá kết quả phẫu thuật. Điều này giúp phát hiện sớm để có hướng xử lý kịp thời các nguy cơ ảnh hưởng.

Phẫu thuật độn cằm là lựa chọn thẩm mỹ giúp cải thiện hình dáng khuôn mặt, tăng sự tự tin về vẻ đẹp ngoại hình. Tuy nhiên, quyết định thực hiện phẫu thuật này cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng dưới sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa và thực hiện tại cơ sở uy tín, thực hiện đúng các hướng dẫn chăm sóc hậu phẫu để đạt được kết quả tốt nhất.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC có thể liên hệ đặt trước lịch khám qua tổng đài 1900 56 56 56.