Tuyến vú không chỉ mang lại vẻ đẹp ngoại hình, quyến rũ cho chị em mà còn giúp sản xuất sữa mẹ và cho con bú. Với đặc tính quan trọng, tuyến vú có cấu tạo phức tạp, chịu tác động của hệ thống nội tiết tố trong cơ thể. Thạc sĩ bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ về cấu tạo, chức năng, vị trí và giải phẫu tuyến vú.
Tuyến vú được cấu tạo như thế nào?
Tuyến vú là bộ phận được hình thành trong quá trình tạo phôi, bộ phận này có hình ảnh như một cây với nhiều nhánh, là các ống phân nhánh sơ cấp, gắn vào một đầu của khối mỡ được gọi là núm vú. Tuyến vú gồm hai thành phần chính là các tiểu thùy và hệ thống ống dẫn sữa phân nhánh như cành cây.
Giải phẫu tuyến vú
Tùy giai đoạn phát triển của cơ thể, cấu tạo của tuyến vú ở nữ giới có sự thay đổi. Ở tuổi dậy thì, tuyến vú bắt đầu phát triển, mỗi tuyến vú tạo nên từ 15-20 thùy tuyến. Mỗi thùy tuyến gồm nhiều tiểu thùy tuyến, nằm trong tổ chức liên kết đệm và mô mỡ của tuyến.
Ở thời kỳ cho con bú, mỗi thùy tuyến là một tuyến ngoại tiết có hình dáng kiểu chùm nho. Các nang tuyến được cấu tạo bởi tế bào chế tiết và tế bào cơ biểu mô, bao bọc bên ngoài bởi màng đáy. Vào giai đoạn mãn kinh, tuyến vú có biểu hiện thoái hóa nghiêm trọng, trong mô liên kết dưới da chỉ sót lại ít đám ống bài xuất nằm rải rác.
Ngoài các tiểu thùy tuyến, trong mỗi thùy tuyến còn có hệ thống ống dẫn. Hệ thống ống dẫn bao gồm các ống phình ra tạo xoang sữa ở núm vú được gọi là ống thu thập. Chúng sẽ đổ ra ngoài qua một lỗ mở tại núm vú nhằm đưa sữa mẹ ra ngoài. Sau đó, các ống lớn phân nhánh thành những ống nhỏ hơn, tận cùng bằng ống tận ngoài tiểu thùy.
Tuyến vú hiện diện từ lúc con người sinh ra, bất kể giới tính. Với những người có lượng estrogen tăng vọt trong giai đoạn tuổi dậy thì mới có tuyến vú phát triển mạnh và vú phát triển đầy đủ. Nhưng nếu lượng testosterone tăng vọt thì tuyến vú kém phát triển, không phát triển ngực được.
Tuyến vú nằm ở vị trí nào?
Với phụ nữ trưởng thành, vú nằm giữa xương sườn thứ 2 đến xương sườn thứ 6 theo trục dọc, giữa bờ xương ức với đường nách giữa trên trục ngang.
Chức năng của tuyến vú là gì?
Chức năng chính của tuyến vú là sản xuất sữa, trong đó, nội tiết tố có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động này. Estrogen giúp mở rộng các ống dẫn sữa khiến chúng phân ra thành nhiều nhánh để chứa sữa hơn.
Vào tuổi dậy thì, các hormone tăng trưởng và estrogen giúp hình thành, phát triển tuyến vú. Trong thai kỳ, khi progesterone và estrogen tăng lên, ống dẫn sữa cũng phát triển làm cho ngực nở ra.
Bên cạnh đó, prolactin hỗ trợ cho sự phát triển của tuyến vú và hoạt động sản xuất sữa. Progesterone còn hỗ trợ các tiểu thùy phát triển, chuẩn bị cho con bú. Chúng còn giúp các mạch máu ở vú giãn nở sau khi rụng trứng. Hormon oxytocin kích thích sữa đẩy ra khỏi các tuyến.
Cấu tạo của tuyến vú gồm các bộ phận nào?
Cấu tạo vú gồm 3 thành phần chính: da, mô dưới da và mô vú; trong đó, mô vú bao gồm mô tuyến và mô đệm.
Phần mô tuyến được chia thành 15-20 thùy, đều tập trung về núm vú thông qua các ống có vai trò dẫn sữa. Vú nhận cấp máu chủ yếu từ các động mạch vú trong và động mạch ngực bên. Ở vùng vú, các cơ quan trọng là cơ ngực lớn và cơ ngực bé, cơ răng trước, cơ lưng cũng như các mạc của cơ chéo ngoài và cơ thẳng bụng. [1]
Tuyến vú hoạt động thế nào?
Trong giai đoạn dậy thì của bé gái, tuyến vú dần được hoàn thiện khi buồng trứng bắt đầu thực hiện chức năng, hệ thống ống dẫn trứng thô sơ dần thay đổi hình thái bằng cách kéo dài và phân nhánh ống dẫn sữa của tuyến vú.
Trong giai đoạn mang thai, quá trình biệt hóa và phân nhánh tiếp theo được hoàn thành.
Trong giai đoạn cho con bú, các tuyến sản xuất sữa trưởng thành phát triển và hoàn thiện.
Giai đoạn đầu của sự hình thành tuyến vú không phụ thuộc nội tiết tố nhưng giai đoạn tuổi dậy thì và mang thai thì sự phát triển của tuyến vú phụ thuộc vào nội tiết tố.
Hình dạng của tuyến vú phụ nữ
Hình dáng của vú ở mỗi người phụ nữ khác nhau. Nhìn chung, vú thường có hình như cái nón ở phụ nữ chưa sinh, nhưng nếu phụ nữ đã sinh đẻ thì vú có xu hướng chảy xệ.
Hình dạng tuyến vú của phụ nữ trưởng thành giống như nửa quả cam, các thùy tương tự như các múi cam nhưng giới hạn của các thùy không được rõ ràng, thường chồng lấp lên nhau.
Rủi ro ảnh hưởng tới chức năng tuyến vú phụ nữ
Hai loại hormone estrogen và progesterone có khả năng ảnh hưởng tới chức năng tuyến vú phụ nữ, nhất là trong việc hình thành nên tình trạng đau vú và nang vú - vấn đề dễ gặp trong độ tuổi sinh sản. [2]
Hormone estrogen và progesterone được xem là hai hormon đối kháng nhau trên mô tuyến vú:
- Estrogen gây nên tình trạng tăng sinh tế bào, tích nước trong mô vú. Theo chu kỳ kinh, sự thay đổi của estrogen trong mô vú có thể dẫn đến bệnh nang vú và đau vú.
- Progesterone làm giảm tăng sinh tế bào, giảm tình trạng tích nước, làm giảm tỷ lệ nang vú và giảm đau vú.
Bệnh lý phổ biến của tuyến vú
1. Ung thư vú
Ung thư vú là bệnh ác tính, các trường hợp ung thư vú thường xuất hiện từ các ống dẫn sữa hoặc một phần nhỏ phát triển ở túi sữa hoặc các tiểu thùy.
Nếu không được phát hiện dẫn đến điều trị trễ, ung thư vú có thể di căn đến xương và các bộ phận khác khiến người bệnh đau đớn kéo dài, cuối cùng dẫn đến tử vong.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến vú:
- Núm vú thay đổi bất thường.
- Hình dạng vú biến dạng khác thường.
- Đau tức ở vùng ngực.
- Sưng hoặc xuất hiện khối u hay hạch ở nách.
- Ngứa ở vùng ngực.
- Ngực sưng, đỏ.
Ung thư vú là bệnh có thể gặp ở bất kỳ người phụ nữ nào. Bạn cần quan tâm đến sức khỏe của mình và đến khám tại khoa Ngoại Vú nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
2. Giãn ống dẫn sữa
Giãn ống dẫn sữa là tình trạng một hay nhiều ống dẫn sữa dưới núm vú giãn ra. Thành ống có thể dày lên, chứa nhiều dịch làm cho ống dẫn sữa bị tắc. Thông thường, giãn ống dẫn sữa không gây ra triệu chứng, tuy nhiên, một số phụ nữ sẽ gặp tình trạng tiết dịch núm vú, viêm ống dẫn sữa và căng tức ngực.
Tình trạng này thường gặp ở phụ nữ tiền và sau mãn kinh, có thể cải thiện dần, không cần điều trị. Nhưng nếu các triệu chứng tiếp tục, cần dùng thuốc kháng sinh hoặc loại bỏ ống dẫn sữa.
Giãn ống dẫn sữa không phải là yếu tố gây ung thư vú nhưng một số triệu chứng có thể liên quan. Vì vậy, nếu có dấu hiệu bất thường, người bệnh cần gặp bác sĩ.
3. U nang vú
U nang vú là tình trạng lành tính, không phải ung thư, một dạng túi chứa đầy chất lỏng bên trong vú. Phụ nữ gặp tình trạng này có thể có một hoặc nhiều u nang vú, xuất hiện một hoặc cả hai bên vú.
U nang vú có hình bầu dục hoặc tròn với các cạnh khác biệt, cảm giác như một quả bóng hoặc quả nho.
Thông thường, bệnh không cần điều trị nếu u nang nhỏ, không gây cảm giác đau. Nhưng nếu người bệnh khó chịu, bác sĩ tiến hành dẫn lưu chất lỏng từ u nang vú ra ngoài để làm giảm các triệu chứng khó chịu do u nang vú.
Tình trạng u nang vú thường xuất hiện trong độ tuổi 35-50 tuổi, xảy ra ở phụ nữ trước tuổi mãn kinh. Tuy nhiên, u nang vú vẫn xảy ra ở phụ nữ bất kỳ lứa tuổi nào.
4. U xơ tuyến vú
U xơ tuyến vú là tình trạng khối u phát triển từ mô liên kết giữa các tiểu thùy có vỏ bọc. Bệnh này xuất hiện ở một hoặc hai bên vú, xảy ra trước tuổi 35.
Khối u thường đều, chắc, tròn hoặc bầu dục, di động dưới da nhưng không đau, không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.
Thường thì chỉ có một khối u nhưng nhiều trường hợp có nhiều khối u, xuất hiện kế tiếp theo thời gian.
U xơ tuyến vú được chẩn đoán bằng cách siêu âm và chọc hút tế bào để loại trừ tổn thương ác tính. Việc điều trị được tiến hành trước 35 tuổi, theo dõi định kỳ 6 tháng một lần. Trường hợp u xơ tuyến vú to, phát triển nhanh, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.
5. Viêm tuyến vú
Tình trạng viêm tuyến vú xảy ra khi mô vú của phụ nữ bị đau, viêm. Viêm tuyến vú xảy ra phổ biến nhất ở phụ nữ cho con bú, nhất là trong ba tháng đầu sau khi sinh. Nguyên nhân chính gây viêm tuyến vú do sữa mắc kẹt trong vú. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như: vi khuẩn xâm nhập vào vú, ống dẫn sữa bị tắc, viêm vú mạn tính,…
Triệu chứng viêm tuyến vú bao gồm những dấu hiệu dưới đây:
- Cảm thấy nóng và đau khi chạm vào.
- Xuất hiện khối u vú hoặc vùng cứng, đỏ, sưng trên vú.
- Đau rát liên tục hoặc chỉ xảy ra khi cho con bú.
- Tiết dịch núm vú màu trắng hoặc có vệt máu.
Chăm sóc tuyến vú như thế nào?
- Không được hút thuốc lá.
- Mặc áo ngực vừa vặn, không quá chật hoặc quá rộng.
- Nếu cho con bú, sau khi xong, nên hút hết sữa ra ngoài.
Nếu có nhu cầu thăm khám, điều trị các bệnh về tuyến vú, bạn có thể đến khám tại khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Nơi đây quy tụ các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành, nhiều kinh nghiệm, liên tục trau dồi các phương pháp điều trị mới nhất giúp tầm soát ung thư vú và các bệnh về tuyến vú để có kế hoạch điều trị sớm, toàn diện và hiệu quả.
Bài viết đã cung cấp những thông tin về tuyến vú giúp người đọc hiểu hơn về cấu tạo, chức năng và vị trí của tuyến vú. Bạn cần quan tâm đến sức khỏe của mình, nếu có dấu hiệu bất thường, cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.