Với lịch sử hàng ngàn năm phát triển, trải qua nhiều tên gọi, nhiều triều đại cùng thăng trầm của dân tộc, Hà Nội là cái nôi của các làng nghề truyền thống. Du lịch Hà Nội đừng quên khám phá những làng nghề thú vị này!
Du lịch Hà Nội, thăm lại các làng nghề truyền thống của đất Thăng Long
1. Làng lụa Vạn Phúc
Làng lụa Vạn Phúc là một trong những làng nghề nổi tiếng khắp cả nước, điểm đến của khách du lịch Hà Nội với mong muốn khám phá nét đẹp truyền thống nơi Thủ đô. Trước đây, làng Vạn Phúc được triều đình chọn lựa làm nơi may trang phục cho các thành viên hoàng gia. Hiện nay, nơi này vẫn giữ được nét đẹp cổ kính của làng quê Bắc Bộ Việt Nam với hình ảnh đặc trưng cây đa, giếng nước, sân đình.
Làng nghề hiện nay đã tạo ra đa dạng sản phẩm: từ lụa, là, gấm, vóc, đến vân, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, kỳ, cầu, đũi. Điểm đặc biệt của lụa Vạn Phúc là được dệt nên từ chất liệu tơ tằm tự nhiên. Do đó, các sản phẩm thường mềm mại, óng ả và mang nét đẹp tinh tế. Hiện tại, làng có hơn 130 máy dệt, khoảng 300 hộ dệt và kinh doanh mặt hàng lụa tơ tằm. Không chỉ tổ chức tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, làng lụa Vạn Phúc còn kết hợp mô hình cho du khách tới tham quan, trải nghiệm.
2. Làng gốm Bát Tràng
Làng gốm Bát Tràng là điểm du lịch Hà Nội rất nổi tiếng, bởi tên tuổi của làng nghề từ lâu đã vang danh khắp cả nước. Nhờ kỹ thuật tạo lớp men và làm lò nung chuẩn xác cùng với việc thổi hồn vào sản phẩm, các nghệ nhân ở đây đã khéo léo tạo nên sản phẩm gốm hài hòa về bố cục, màu sắc thanh nhã. Các sản phẩm của làng gốm Bát Tràng là bình hoa, chậu cây, chuông gió, ấm chén, tranh tường… thật tinh xảo và đẹp mắt.
Đến Bát Tràng, du khách được trải nghiệm đi trên những con đường làng nhỏ hẹp, chiêm ngưỡng nhiều ngôi nhà, bức tường cổ kính… Một điểm đến thú vị bạn không nên bỏ qua là lò bầu cổ duy nhất còn sót lại của làng gốm xưa. Lò cổ này gồm có 5 bầu, có tuổi đời gần 100 năm. Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt cũng là một địa điểm thu hút với kiến trúc độc lạ ở Bát Tràng.
3. Làng quạt Chàng Sơn
Chiếc quạt ở Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) gắn với rất nhiều huyền tích, đặc biệt là câu chuyện ngày xưa có “hội đồng Tiên Quạt” - nhóm các tiên nữ vì lương duyên nên kết quạt để giải tâm phiền. Làng quạt Chàng Sơn đã có gần 200 năm nay, nổi tiếng khắp nơi với những chiếc quạt được làm bằng tay vô cùng kì công.
Quạt Chàng Sơn rất đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại cũng như màu sắc, hoa văn trên quạt. Nếu trước kia, nghệ nhân làng quạt chỉ làm ra những chiếc quạt giấy, quạt nan, thì nay người Chàng Sơn đã sản xuất đủ các loại quạt như: quạt the, quạt lụa, quạt tranh trang trí treo tường, quạt dùng làm thiệp mời cưới cho đến quạt cao cấp làm quà lưu niệm cho khách du lịch Hà Nội.
4. Làng nón Chuông
Làng nón Chuông nằm bên dòng sông Đáy, thuộc địa phận huyện Thanh Oai, là một trong những địa điểm rất nổi tiếng tại Hà Nội về nón. Ngày xưa, làng Chuông làm ra nhiều loại nón khác nhau như: nón quai thao, nón chóp dứa, nón nhô, nón long, nón tơi, nón dấu cho đàn ông, hay nón chuông để làm cống vật.
Ngày nay với sự phát triển của thị trường, người làng Chuông vừa sản xuất, vừa cung cấp các sản phẩm nón để phục vụ những sản phẩm sáng tạo khác (nón quai thao, nón lụa nhiều màu), lưu niệm (nón các kích cỡ, màu sắc), trang trí nội thất (đèn lồng dạng nón, treo tường ở nhà hàng, quán giải khát, đồ đạc nội thất như bàn trà…) và nón dùng trang trí đường phố.
5. Làng rối nước Đào Thục
Làng Đào Thục nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km. Văn bia đình làng Đào Thục ghi lại, nghề múa rối nước ở làng có từ thời vua Lê Trung Hưng, cách đây khoảng hơn 300 năm. Tổ nghề múa rối nước Đào Thục là ông Đào Đăng Khiêm, người đã dạy nhân dân nghệ thuật múa rối nước. Trải qua bao thăng trầm, có lúc tưởng như mai một, nghề rối nước Đào Thục với tình yêu, trách nhiệm của các thế hệ người dân, đã được gìn giữ, bảo tồn hiệu quả.
Múa rối nước tại làng Đào Thục hấp dẫn người xem với hơn 10 tích trò, hầu hết đều bắt nguồn từ những câu chuyện thường nhật gắn liền với người nông dân như: cấy lúa, câu cá, chăn trâu… Bên cạnh những tiết mục truyền thống, hiện nay làng Đào Thục cũng có những tiết mục hiện đại để phục vụ khán giả như vở kịch “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, “Rước ảnh Bác Hồ”…
6. Làng mây tre Phú Vinh
Theo dòng lịch sử, nghề mây tre đan truyền thống ở làng Phú Vinh đã tồn tại và phát triển hơn 300 năm, được hình thành từ năm 1700. Làng có tên gọi ban đầu là “làng Phú Hoa Trang”, vì người dân nơi đây ai cũng có bàn tay khéo léo, điệu nghệ, giỏi đan lát mây tre. Theo tục lệ “cha truyền con nối”, những đứa trẻ làng Phú Vinh lớn lên đã gắn bó với cây mây, cây tre. Những người thợ càng ngày càng tạo ra nhiều sản phẩm mây tre đan đẹp mắt, đa dạng về mẫu mã.
Trước đây, đồ mây tre đan Phú Vinh sản xuất chủ yếu để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, tiêu biểu với các đồ dùng như: thúng mủng, dần, sàng, túi, hộp… Ngày nay, làng có nhiều mẫu mã đòi hỏi kỹ thuật cao hơn xưa như tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi câu đối, chim thú hay sản phẩm gốm sứ quấn mây, hay các đồ dùng trang trí nội thất như: chao đèn, rèm cửa…
7. Làng chuồn chuồn, bướm tre Thạch Xá
Thạch Xá là nơi có ngôi chùa Tây Phương nổi tiếng, đã đi vào bài thơ “Các vị la hán chùa Tây Phương” của nhà thơ Huy Cận. Thạch Xá còn là cái nôi của chè lam, của bánh tẻ. Ngoài ra, chuồn chuồn tre cũng là sản phẩm rất được khách du lịch Hà Nội ưa chuộng, mua về làm quà.
Về với làng quê Thạch Xá, bạn có thể thấy hàng trăm hàng ngàn con chuồn chuồn tre muôn màu sắc, muôn hình muôn vẻ. Từ những cây tre xanh, các nghệ nhân đã cho ra đời những chú chuồn chuồn tre thật độc đáo. Đặc biệt, chúng có thể đậu được khắp mọi nơi nhờ nguyên lý cân bằng trọng lực mà không cần gắn bất kỳ một thiết bị nào.
8. Làng tranh Đông Hồ
Tranh Đông Hồ ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 16, với số lượng mẫu tranh vô cùng phong phú mà đến nay vẫn chưa ai thống kê hết. Thời cực thịnh của làng tranh là vào thế kỷ 19 đến những năm 40 của thế kỷ 20. Thời đó người ta còn gọi tranh Đông Hồ là “tranh Tết”, bởi nó thường được sản xuất và bán trong dịp Tết Nguyên đán ở các chợ quê.
Trước năm 1945, ở làng có 17 dòng họ đều làm tranh. Sau Cách mạng Tháng Tám, hầu như không còn người theo nghề. Mãi đến năm 1992 mới có người phục hồi nghề truyền thống. Tranh dân gian Đông Hồ đặc trưng ở chất liệu làm tranh và cách in tranh. Màu sắc trong tranh được lấy hoàn toàn từ thiên nhiên. Thường tranh Đông Hồ chỉ dùng 4 màu để tương ứng với số bản khắc gỗ.
Giấy làm tranh được làm thủ công từ vỏ cây dó, lớp điệp làm từ vỏ sò điệp. Tranh không được vẽ theo cảm hứng nghệ thuật mà người ta dùng ván để in. Một bức tranh được tạo thành bởi nhiều ván in khác nhau, mỗi ván ứng với một màu riêng biệt. Ngày nay, khách du lịch Hà Nội thường ghé làng tranh Đông Hồ để tham quan, chiêm ngưỡng quá trình làm tranh.
9. Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu
Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu có tuổi đời hơn trăm tuổi và giữ được nét cổ kính của làng quê Bắc Bộ. Từ lâu, làng trở thành nơi cung cấp tăm hương chủ yếu cho nhu cầu tâm linh của người dân quanh vùng. Khi đến đây, bạn sẽ choáng ngợp bởi vẻ đẹp của các bó hương sặc sỡ phơi ở các sân gạch của các gia đình. Tăm hương được xếp thành từng bó lớn, xòe to như những đóa hoa nở rực rỡ.
Làng nghề Quảng Phú Cầu nổi tiếng không chỉ vì tính thẩm mỹ mà còn vì tính thủ công, truyền thống trong cách làm. Du khách đến đây thích thú vì được tận mắt chứng kiến cách những người dân làm ra tăm hương, từ những công đoạn như chọn vầu, bó tăm, nhuộm phẩm… đều được thực hiện một cách tỉ mỉ.
10. Làng cốm Mễ Trì
Nghề làm cốm ở Mễ Trì đến nay đã có bề dày lịch sử hơn một thế kỷ. Ở Mễ Trì có 2 thôn (thôn Thượng và thôn Hạ) có nhiều hộ gia đình theo nghề làm cốm. Nghề cốm ở Mễ Trì được đưa vào danh mục 17 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Các công đoạn làm cốm ở đây khá cầu kỳ, với nguyên liệu từ lúa nếp lương phượng, nếp thơm, nếp tan, nếp quýt, nếp cái hoa vàng… tạo ra món cốm thơm ngon nức tiếng khắp nơi.
Ngoài những làng nghề trên, Hà Nội còn tồn tại rất nhiều làng nghề truyền thống lâu đời với các sản phẩm chất lượng cao, thể hiện sự phát triển thịnh vượng của một vùng đất ngàn năm văn hiến. Du lịch Hà Nội trở nên ý nghĩa hơn với việc tham quan các làng nghề, giúp du khách hiểu hơn về văn hóa của dân tộc Việt.
Theo iVIVU.com
Xem thêm bài viết:
Top 11 món ăn nổi bật của ẩm thực đường phố Hà Nội
Top 14 nhà hàng chay Hà Nội vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe
Du lịch Hà Nội: Cập nhật giá vé các điểm tham quan, khu vui chơi 2023