Đơn vị:

Gió lốc và mưa đá khiến 1 người bị thương, nhiều tài sản bị hư hại ở Lào Cai

Bùi Việt

Thống kê mới nhất từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai. Mới đây, ngày 29/3 trên địa bàn xảy ra mưa đá và gió lốc khiến một người bị thương, gây nhiều ảnh hưởng, thiệt hại về nhà ở, cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

lao-cai3-1711850067.jpg
 

Theo báo cáo thì huyện Bát Xát, Lào Cai là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi có 1 người bị thương, 37 nhà bị ảnh hưởng, trong đó 9 nhà dân bị tốc mái tại thị trấn Bát Xát, các xã Sàng Ma Sáo, Mường Hum, Dền Thàng, Trung Lèng Hồ, Quang Kim,.

Theo đó, người bị thương là ông Trần Đình Thế (sinh năm 1979, trú tại tổ 11, thị trấn Bát Xát) đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát, hiện sức khỏe bước đầu đã ổn định. Theo thống kê ban đầu, mưa lớn kèm dông lốc đã khiến 48 nhà tại các huyện Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai và Bắc Hà bị thiệt hại.

Ngoài các gia đình bị thiệt hại, dông lốc đã “xô đổ” khoảng 60m hàng rào của Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Bát Xát; Trạm Y tế xã Sàng Ma Sáo bị tốc mái nhà ăn, khiển cuộc sống của các em học sinh ở đây bị đảo lộn.

Có thể nhìn thấy hậu quả nặng nề của mưa đá và dông lốc là hàng loạt cây bị đổ tại nhiều tuyến đường giao thông ở các xã Mường Hum, Phìn Ngan, và thị trấn Bát Xát làm ảnh hưởng đến giao thông và hệ thống dây điện, rất nhiều cơ quan đã khẩn trương vào cuộc để ổn định tình hình đời sống người dân một cách nhanh nhất.

lao-cai1-1711850068.jpg
 

Điều đáng nói tại các thôn Ngải Trồ, Lao Chải, xã Y Tý, huyện Bát Xát đã xuất hiện mưa đá dữ dội. Trận mưa đá kéo dài khoảng 10 phút, bắt đầu lúc 5 giờ 35 phút. Đường kính trung bình của hạt đá từ 1-1,5cm; những hạt lớn đạt mức 2cm, khiến cây cối, hoa màu của bà con bị thiệt hại nặng nề.

lao-cai-1711850069.jpg
 

Trao đổi qua điện thoại, ông Lê Huy Giang, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát thông tin: Tạm tính đến thời điểm này, tổng thiệt hại do mưa to, gió lốc gây ra trên địa bàn là trên 220 triệu đồng. Hiện tại, các xã, thị trấn đang tiếp tục rà soát, thống kê và cập nhật số liệu. Thiệt hại về sản xuất đang được ngành nông nghiệp huyện Bát Xát thống kê, sẽ có báo cáo chi tiết trong một hai ngày tới.

Trận mưa đá đi kèm với mưa rào và dông mạnh ngày 29/3 đã gây nhiều thiệt hại cho hoa màu, nhất là cây ăn quả các loại của người dân địa phương, khiến mùa màng của bà con bị thiệt hại nghiêm trọng. Được biết, đây là trận mưa đá đầu tiên "tấn công" tỉnh Lào Cai tính từ đầu năm 2024 đến nay.

Các cấp chính quyền của tỉnh Lào Cai vào cuộc rất nhanh chóng.Ngay sau khi có hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn kiểm tra, thống kê tình hình thiệt hại; huy động các lực lượng tại chỗ, nhân dân trong khu vực thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại khắc phục hậu quả do dông lốc nhằm ổn định đời sống một cách nhanh nhất cho bà con.

Cũng theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai dự báo do chịu ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với tác động của vùng hội tụ gió trên cao hoạt động mạnh, các địa phương trong tỉnh có mưa, mưa rào và dông đều khắp. Tuy nhiên, mưa không đồng đều, một số nơi có mưa vừa, thậm chí có nơi mưa to và rất to.

Cụ thể, xã Y Tý (Bát Xát) lượng mưa 25,2mm; xã Cốc Ly (Bắc Hà) 31,6mm; xã Trịnh Tường (Bát Xát) và xã Bản Cầm (Bảo Thắng) cùng 35,8mm; xã Mường Vi (Bát Xát) 38mm.

Năm nay, hiện tượng thời tiết diễn biến khá bất thường, hiện tượng trời đang sáng bỗng chốc “tối sầm” ở một số tỉnh thành minh chứng cho điều này. Hiện nay đang là thời điểm chuyển giao mùa, hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường như dông lốc, mưa đá, sét đánh rất xảy ra gây ảnh hưởng trực tiếp đến người, tài sản, hoa màu.

Để giảm thiểu vấn đề này, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Lào Cai đã đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường hướng dẫn nhân dân chằng, chống, gia cố lại nhà ở; chỉ đạo cơ quan chức năng chặt tỉa cây xanh có nguy cơ gây hại cho nhà ở, đường giao thông nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ra công văn chỉ đạo, nhanh chóng, kịp thời cho các địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết để cảnh báo cho nhân dân biết, phòng tránh; tuyệt đối không nghỉ lại nương rẫy qua đêm, không hoạt động ngoài trời khi có dông lốc, mưa đá, sét đánh. Nhằm hạn chế một cách thấp nhất hậu quả do mưa đá và dông lốc đem lại.