Tin tức

Đặt túi ngực: Chỉ định, quy trình và lưu ý quan trọng

Đặt túi ngực (thẩm mỹ) là phẫu thuật để tăng kích thước vòng một, giúp phụ nữ cảm thấy tự tin hơn về ngoại hình của mình. Nếu bạn đang có ý định đặt túi ngực, hãy đến gặp bác sĩ phẫu thuật chuyên thẩm mỹ vú để được tư vấn.

Sau đây là một số nội dung cơ bản về đặt túi ngực bạn cần hiểu rõ về quy định, quy trình và lưu ý quan trọng trước khi quyết định.

Đặt túi ngực là gì?

Đặt túi ngực là kỹ thuật đưa túi độn ngực bằng vật liệu nhân tạo vào bên trong khoang ngực để làm tăng kích thước bầu ngực. Túi ngực có thể được đặt vào phía sau mô tuyến vú (dưới tuyến) hoặc phía sau cơ ngực (dưới cơ) hoặc phía sau cân cơ ngực nhưng trước cơ ngực (dưới cân). [1]

Có hai tình huống mà người phụ nữ cần cân nhắc đặt túi ngực.

  • Tình huống thứ nhất, người phụ nữ không hài lòng với vòng một tự nhiên của mình và muốn được “nâng cấp” để đẹp hơn, tạm gọi là đặt túi ngực thẩm mỹ.
  • Tình huống thứ hai, bệnh nhân bị cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến vú do bệnh lý, muốn phục hồi lại và hạn chế những khiếm khuyết về mặt hình thể.

Khi đó bác sĩ sẽ có hai lựa chọn: tái tạo lại tuyến vú bằng mô tự thân hoặc bằng cách đặt túi độn ngực. Chúng tôi gọi tên cho đặt túi ngực trong tình huống này là đặt túi ngực tái tạo.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến đặt túi ngực thẩm mỹ. Còn tái tạo tuyến vú sau cắt bỏ bằng túi ngực sẽ được bàn trong một bài viết khác.

Tại sao cần phẫu thuật đặt túi ngực?

Đặt túi ngực có thể giúp bạn:

  • Cải thiện hình dáng bên ngoài nếu bạn nghĩ rằng vòng một của mình hơi khiêm tốn hoặc hai bên không đều nhau, làm ảnh hưởng đến việc lựa chọn trang phục.
  • Giảm bớt da vú bị chùng sau khi mang thai hoặc giảm cân nhiều.
  • Chỉnh sửa lại cho hai bên ngực đều nhau sau khi phẫu thuật một bên để điều trị bệnh.
  • Cải thiện sự tự tin của bạn.
Đặt túi ngực là phẫu thuật để tăng kích thước vòng một, giúp phụ nữ cảm thấy tự tin hơn về ngoại hình của mình.

Các vị trí đặt túi ngực

Có 5 vị trí bác sĩ có thể lựa chọn để đặt túi ngực: đặt túi ngực dưới mô tuyến vú, dưới cân cơ ngực, dưới cơ ngực một phần, hai mặt phẳng và dưới cơ ngực hoàn toàn.

  • Đặt túi ngực dưới tuyến: túi ngực được đặt trực tiếp phía sau mô tuyến vú, trước cơ ngực. Với những phụ nữ đã có sẵn mô tuyến vú, da và mô dưới da tương đối dày, đủ để che túi ngực không bị lộ, có thể chọn phương pháp này. Ngược lại, nếu mô tuyến vú quá ít, da và mô dưới da quá mỏng thì không nên vì hình dạng túi ngực dễ bị lộ.
    • Ưu điểm:
      • Ít xâm lấn.
      • Ít đau.
      • Quá trình hồi phục nhanh.
      • Ít có nguy cơ túi bị lệch ra ngoài và lên trên khi gồng cơ ngực.
    • Nhược điểm:
      • Dễ bị lộ túi ngực vì vị trí đặt quá gần da.
      • Nguy cơ nhiễm trùng cao vì túi ngực nằm ngay phía sau mô tuyến (gần núm vú, là đường vào của vi trùng).
      • Dễ bị co thắt bao xơ
      • Ảnh hưởng đến kết quả chụp nhũ ảnh nhiều hơn

  • Đặt túi ngực dưới cân: túi ngực được đặt phía sau cân cơ ngực (cân cơ ngực là lớp mô mỏng, chắc, màu trắng bao phía trước cơ ngực). Về mặt lý thuyết, đặt túi ngực ở vị trí này sẽ đạt được những ưu điểm và khắc phục được những khuyết điểm của của việc đặt túi ở dưới tuyến. Tuy nhiên, vị trí này ít khi được bác sĩ thẩm mỹ lựa chọn do khó khăn về mặt kỹ thuật và chưa có đủ chứng cứ khoa học cho thấy giá trị về mặt thực hành.

  • Các vị trí đặt túi ngực dưới cơ (dưới cơ một phần, hai mặt phẳng, dưới cơ hoàn toàn): có khác nhau đôi chút về kỹ thuật nhưng nhìn chung ưu điểm chính của các vị trí này là túi ngực được cơ ngực che phủ một phần hay hoàn toàn, sẽ giảm nguy cơ bị sờ thấy, giảm nguy cơ bị co thắt bao xơ và nhiễm trùng. Nhược điểm của các vị trí đặt túi này là phải cắt một phần cơ ngực, bệnh nhân sẽ bị đau sau mổ nhiều hơn. Đồng thời túi ngực có nguy cơ bị di lệch vị trí khi gồng cơ ngực.

Các vị trí đường rạch da

Đường rạch da để đưa túi ngực vào được chia thành hai nhóm: đường rạch tại da vú (quầng vú, nếp dưới vú) và đường rạch ngoài da vú (nách, rốn). Hiện nay, phổ biến nhất là các đường rạch tại nách, quầng vú và nếp dưới vú.

Mỗi vị trí có ưu điểm, khuyết điểm riêng. Nhìn chung, những đường rạch da tại vú dễ thực hiện, ít xâm lấn, ít đau hơn nhưng sẽ để sẹo ở vị trí dễ nhìn thấy hơn.

Ngược lại, đường rạch ngoài da vú sẽ giấu được sẹo tốt hơn, nhưng khó thực hiện hơn, xâm lấn và gây đau nhiều hơn.

Quy trình phẫu thuật đặt túi ngực

1. Chuẩn bị trước khi phẫu thuật

Trước khi bạn quyết định đặt túi ngực, hãy cân nhắc những điều sau:

  • Đặt túi ngực không ngăn được ngực chảy xệ. Bác sĩ có thể đề nghị bạn kết hợp đặt túi ngực và nâng ngực (treo vú) để khắc phục tình trạng ngực chảy xệ. Túi ngực không được đảm bảo sẽ tồn tại suốt đời. Tuổi thọ trung bình của một túi ngực là khoảng 10 năm. Vỡ túi ngực có thể xảy ra. Ngoài ra, ngực của bạn sẽ tiếp tục lão hóa và các yếu tố như tăng cân hoặc giảm cân có thể làm thay đổi hình dáng bộ ngực và có thể cần phải phẫu thuật chỉnh sửa sau đặt túi ngực về sau.
  • Chụp nhũ ảnh có thể phức tạp hơn. Nếu bạn có đặt túi ngực, ngoài việc chụp nhũ ảnh các thế thông thường, bạn sẽ được đề nghị chụp thêm một số tư thế chuyên biệt.
  • Túi ngực có thể cản trở việc cho con bú. Một số phụ nữ có thể cho con bú bình thường sau khi đặt túi ngực. Tuy nhiên, những người khác có thể gặp khó khăn.
  • Bảo hiểm không chi trả cho đặt túi ngực.
  • Nếu bạn quyết định lấy túi ngực ra, có thể bạn cần phải nâng ngực hoặc phẫu thuật chỉnh sửa khác để giúp phục hồi hình dáng bầu ngực.
  • Nên kiểm tra xem có bị vỡ túi silicon hay không. FDA khuyến nghị theo dõi định kỳ bằng chụp cộng hưởng từ vú mỗi 5 năm sau khi đặt túi ngực để sàng lọc tình trạng vỡ túi ngực bằng silicon. Sau đó, nên chụp MRI vú 2-3 năm một lần. Có thể thay thế chụp cộng hưởng từ bằng siêu âm, trừ khi bạn có các triệu chứng bất thường. Bạn cần xin ý kiến bác sĩ về phương tiện chẩn đoán hình ảnh nào cần thực hiện để theo dõi định kỳ.
  • Bạn có thể cần phải chụp nhũ ảnh kiểm tra trước khi phẫu thuật.
  • Một số loại thuốc cần phải được điều chỉnh trước khi phẫu thuật. Ví dụ như không được uống aspirin hoặc các loại thuốc có thể làm dễ chảy máu sau mổ.
  • Nếu bạn hút thuốc, bạn sẽ phải ngừng hút thuốc trong một thời gian, khoảng bốn đến sáu tuần trước và sau khi phẫu thuật.
  • Sắp xếp để ai đó có thể ở với bạn trong lúc bạn nằm viện.

Xem thêm: Những điều cần biết trước khi đặt túi ngực và lưu ý quan trọng

2. Thực hiện đặt túi ngực

  • Để đưa túi ngực vào, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ sẽ thực hiện một vết rạch duy nhất ở một trong ba vị trí: nếp dưới vú hoặc đường nách hoặc quanh quầng vú.
  • Sau khi rạch da, bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo ra một khoang phía sau hoặc phía trước cơ ngực, đưa túi vào khoang này và chỉnh sửa vị trí của túi.
  • Nếu sử dụng túi nước biển thì nước muối vô trùng sẽ được bơm vào túi sau khi túi được đặt vào khoang (túi silicon được làm đầy sẵn bằng gel silicon).
  • Cuối cùng, bác sĩ sẽ khâu đường rạch da lại và băng vết mổ.

3. Sau phẫu thuật đặt túi ngực

  • Sưng, đau nhẹ có thể xảy ra trong vài tuần sau phẫu thuật. Ngoài ra có thể kèm theo vết bầm. Vết sẹo sẽ mờ dần theo thời gian nhưng sẽ không biến mất hoàn toàn. Đôi khi bạn có thể bị sẹo xấu hoặc sẹo lồi tùy theo cơ địa của bạn.
  • Mặc áo định hình túi ngực có thể giúp quá trình hồi phục nhanh hơn và cố định vị trí túi ngực tốt hơn.
  • Nếu công việc của bạn không đòi hỏi nhiều thể lực thì có thể trở lại làm việc trong vòng vài tuần. Tránh các hoạt động gắng sức trong ít nhất 2 tuần. Trong thời gian chờ lành vết thương, ngực của bạn sẽ rất dễ bị đau khi va chạm hay chuyển động mạnh.
  • Nếu bạn được khâu bằng chỉ không tan hoặc đặt ống dẫn lưu thì bác sĩ sẽ hẹn bạn để cắt chỉ và rút ống dẫn lưu.
  • Nếu bạn thấy da vú nóng hơn xung quanh và ửng đỏ, có thể bạn đã bị nhiễm trùng. Bạn cần liên hệ với bác sĩ và khám lại ngay. Nếu cảm thấy khó thở hay đau ngực bạn cũng phải trở lại tái khám.
Đến gặp bác sĩ chuyên khoa Ngoại vú để được kiểm tra, tư vấn phương pháp phẫu thuật đặt túi ngực.

Chi phí phẫu thuật đặt túi ngực

Chi phí phẫu thuật thường tùy thuộc vào cơ sở y tế - nơi bạn lựa chọn thực hiện, loại túi ngực, tình trạng sức khỏe mà bác sĩ sẽ tư vấn chi phí phẫu thuật hợp lý. Điều quan trọng, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa về bệnh lý tuyến vú để được khám và tư vấn trước khi quyết định đặt túi ngực.

Biến chứng sau đặt túi ngực

  • Có thể xảy ra một số rủi ro khi đặt túi ngực, với nhiều mức độ khác nhau, bao gồm:
  • Co thắt bao xơ, là tình trạng mô sẹo xung quanh túi ngực co thắt làm túi ngực biến dạng.
  • Đau vú.
  • Nhiễm trùng.
  • Mất hoặc giảm cảm giác ở núm vú.
  • Túi ngực bị lệch vị trí.
  • Túi ngực bị rò rỉ hoặc vỡ.

Để khắc phục những biến chứng đặt túi ngực này, có thể cần phải mổ lại để tháo bỏ túi ngực hoặc thay túi ngực khác.

Chăm sóc sau phẫu thuật đặt túi ngực

Sau phẫu thuật đặt túi ngực, bạn có thể gặp các triệu chứng như [2]:

  • Ngực sưng và bầm tím.
  • Đau.
  • Chảy máu vết mổ.

Những triệu chứng kể trên sẽ giảm sau 5 - 7 ngày. Để kiểm soát cơn đau, bạn sẽ được kê đơn một số thuốc giảm đau hoặc sử dụng acetaminophen không kê đơn. Sau 1-2 tuần, bạn có thể hoạt động nhẹ nhàng, tránh các hoạt động gắng sức như chạy, nâng vật nặng hoặc đưa tay lên đầu.

Thông thường, quá trình hồi phục kéo dài từ 6 - 8 tuần, tuy nhiên, mỗi người sẽ có thời gian lành vết thương khác nhau. Trường hợp sau phẫu thuật, nếu đau ngực, sốt, nổi mẩn đỏ, nóng quanh vết mổ, bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra, điều trị kịp thời, ngừa biến chứng không mong muốn.

Đặt túi ngực là một phẫu thuật an toàn, không gây nguy hiểm hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Các thắc mắc thường gặp về phẫu thuật đặt túi ngực

1. Có nên đặt túi ngực?

Có! Đặt túi ngực giúp phụ nữ cải thiện vòng một chảy xệ, tăng kích cỡ ngực nhằm lấy lại vẻ đẹp, sự tự tin vốn có. Một số ưu điểm của đặt túi ngực có thể kể đến như [3]:

  • Phục hồi kích thước ngực.
  • Chỉnh sửa ngực không đối xứng.
  • Khẳng định giới tính: bộ ngực có thể giúp thể hiện chính xác bản dạng giới của chính mình.
  • Túi ngực có độ bền cao, thường kéo dài 10 năm.
  • Phương pháp đặt an toàn, ít tác dụng phụ.

2. Đặt túi ngực có cho con bú được không?

Được! Đặt túi ngực có thể cho con bú nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Bởi, phương pháp này có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh và ống dẫn sữa trong vú. Túi ngực đặt dưới cơ thường ít ảnh hưởng đến quá trình sản xuất sữa hơn so với túi ngực đặt trên cơ.

3. Đặt túi ngực có nguy hiểm không?

Không! Đây là phương pháp an toàn, không gây nguy hiểm hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đặt túi ngực có thể xuất hiện vài tác dụng phụ nhất định nhưng có thể kiểm soát được.

4. Đặt túi ngực có để lại sẹo không?

Có! Những vết sẹo chỉ dài vài cm, nằm ở vị trí khó thấy và mờ dần theo thời gian, vì vậy, người bệnh có thể yên tâm khi lựa chọn phương pháp này. Trong 18 tháng, các vết sẹo sẽ dần cải thiện, có màu đỏ hoặc hồng và hơi nhô lên. Tốc độ lành vết sẹo phụ thuộc vào loại da, tuổi tác, di truyền, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và kỹ năng của bác sĩ phẫu thuật. [4]

5. Đặt túi ngực có đau không?

Có! Quá trình đặt túi ngực, bác sĩ sẽ thực hiện gây tê hoặc gây mê. Khi ca mổ hoàn thành, thuốc tê hết tác dụng, bệnh nhân có thể đau nhức, bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau để cải thiện triệu chứng. Tình trạng này thường kéo dài vài ngày và khỏi hẳn sau đó. [5]

6. Đặt túi ngực có được vĩnh viễn không?

Không! Tuổi thọ trung bình của 1 túi ngực khoảng 10 năm. Trong thời gian này, túi ngực có thể vỡ ra. Bên cạnh đó, các yếu tố lão hóa, cân nặng thay đổi có thể khiến hình dáng và kích thước ngực bị điều chỉnh, từ đó túi ngực cần phải thay thế.

7. Đặt túi ngực bao lâu phải thay thế?

Trong khoảng 8 - 10 năm! Túi ngực nước muối hoặc silicone có thể tồn tại từ 10 - 20 năm. Tuy nhiên, nhiều túi ngực cần được loại bỏ sớm do các biến chứng hoặc lo ngại về thẩm mỹ. [6]

Một số dấu hiệu phải thay thế túi ngực:

  • Co thắt bao xơ (tình trạng mô sẹo xung quanh túi ngực co thắt làm biến dạng túi) hoặc mô sẹo cứng xung quanh 1 hoặc 2 túi.
  • Túi ngực rò rỉ hoặc vỡ.
  • Vỡ túi ngực silicone: gel silicon đậm đặc hơn so với nước muối. Khi túi ngực silicone vỡ, gel thường nằm lại bên trong túi hoặc mô sẹo xung quanh.
  • Túi ngực bị lệch: 2 bên vú không đối xứng.

8. Đặt túi ngực sau sinh được không?

Được! Tuy nhiên, bạn nên đợi ít nhất 6 tháng sau khi ngừng cho con bú. Bởi, việc cho con bú có thể ảnh hưởng đến kích thước và hình dáng khung ngực. Do đó, bạn nên để ngực đạt đến kích thước cuối cùng trước khi quyết định đặt túi ngực.

Khoa Ngoại vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm trong cả hai lĩnh vực: bệnh lý tuyến vú và tạo hình - thẩm mỹ vú. Khi đến đặt túi ngực tại bệnh viện Tâm Anh bạn sẽ được tầm soát đầy đủ và cẩn thận để bảo đảm bạn không đang có những tổn thương trong vú cần xử lý trước khi được tư vấn về việc đặt túi ngực.

Ngực chảy xệ, kích thước ngực không được như mong muốn khiến nhiều chị em thiếu tự tin, ảnh hưởng đến tâm lý. Bài viết trên đã cung cấp những thông tin về đặt túi ngực: chỉ định, quy trình và những lưu ý quan trọng. Hy vọng đây sẽ là phương pháp làm đẹp giúp các chị em sớm có được vòng một như ý.