Đơn vị:

Làm sao để học sinh vào lớp 10 chọn đúng tổ hợp môn lựa chọn?

Bùi Việt

Chương trình 2018 đã và đang triển khai ở lớp 10, lớp 11 bậc học trung học phổ thông, năm học 2024 - 2025 sẽ thực hiện ở lớp 12.

Chương trình giáo dục bậc trung học phổ thông có các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

Nhóm môn học lựa chọn 9 môn học, gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật; Học sinh chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn.

Trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến tư vấn tuyển sinh cho học sinh lớp 9. Ảnh NTCC

Mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 tiết hoặc 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học. Ở mỗi lớp học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Sau hai năm thực hiện Chương trình 2018 ở trung học phổ thông, vẫn còn đó tồn tại việc học sinh chọn tổ hợp môn học lựa chọn không phù hợp, dẫn đến phải xin đổi tổ hợp môn học lựa chọn, làm khó cho cả thầy và trò.

Ngoài ra, một vấn đề khác cũng đang làm khó cho các thầy cô quản lý nhà trường, đó chính là giáo viên một số môn thì nhiều tiết, ngược lại, một số giáo viên bộ môn khác lại không đủ tiết tiêu chuẩn.

Ví dụ, khi học sinh tập trung nhiều vào nhóm môn khoa học xã hội (Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật) giáo viên nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật) sẽ thiếu tiết và ngược lại.

Để bảo đảm số tiết cho giáo viên, phù hợp với cơ sở vật chất, biên chế của cơ sở giáo dục, nhiều trường đã xây dựng giới hạn các tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn.

Việc các trường chỉ xây dựng giới hạn các tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn không thể đáp ứng được nguyện vọng thực tế của 100% học sinh nhưng đã hài hòa được lợi ích của học sinh, nhà trường và cũng phù hợp với hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vấn đề đặt ra là làm sao để học sinh chọn đúng tổ hợp môn học lựa chọn mà mình yêu thích và nhà trường phân công chuyên môn giáo viên phù hợp với biên chế hiện tại.

Từ thực tế, người viết đề xuất một số giải pháp đối với trường trung học phổ thông và trường trung học cơ sở:

Thứ nhất, trường trung học cơ sở cần làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng sau trung học cơ sở.

Phân luồng, hướng nghiệp không được áp dụng hình thức cấm học sinh đăng ký thi tuyển sinh lớp 10, mà phải làm cho học sinh thấy được khả năng, sở thích của mình, cho các em quyền tự quyết về thi hay không thi tuyển sinh lớp 10.

Thứ hai, nhà trường trung học phổ thông chủ động xây dựng các tổ hợp môn, số lớp học tổ hợp môn đó trên cơ sở biên chế giáo viên và học sinh được duyệt.

Thứ ba, trường trung học phổ thông chủ động đến các trường trung học cơ sở làm công tác hướng dẫn, hướng nghiệp, tư vấn cho học sinh lớp 9.

Trường trung học phổ thông cần phổ biến rõ cho học sinh biết thi tuyển sinh vào trường sẽ học tổ hợp môn nào, số lượng là bao nhiêu, điều kiện cần và đủ là gì, thích hợp cho học sinh muốn học nghề gì sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Các trường trung học phổ thông làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh sẽ giúp học sinh có lựa chọn đúng trường có tổ hợp môn phù hợp với mong muốn của các em.

Đơn cử, theo tìm hiểu của người viết, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã làm tốt công tác hướng nghiệp, hướng dẫn cho học sinh lớp 9 chọn tổ hợp môn, nên không có trường hợp nào xin đổi tổ hợp môn lựa chọn trong hai năm qua.

Thứ tư, trường trung học phổ thông cần công khai minh bạch kế hoạch tuyển sinh của trường trên website, fanpage của nhà trường để học sinh đọc, tìm hiểu.

Thực tế, ngoài tư vấn tuyển sinh, Trường Trung học phổ thông Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) công khai chi tiết các tổ hợp môn lựa chọn của nhà trường, trong đó có tư vấn rõ các khối tuyển sinh đại học tương ứng cho học sinh, phụ huynh tìm hiểu, cân nhắc theo nguyện vọng của mình, nên học sinh chọn đúng tổ hợp môn, không phải chuyển đổi trong quá trình học tập.

Ảnh chụp màn hình học lựa chọn năm học 2023-2024 trên website Trường Trung học phổ thông Xuyên Mộc

Thứ năm, trường trung học phổ thông có thể mời học sinh cũ nói chuyện với học sinh lớp 10 mới trúng tuyển về kinh nghiệm chọn tổ hợp môn của mình, học sinh nói với học sinh sẽ dễ hiểu, gần gũi, giúp các bạn không chọn nhầm so với năng lực, phẩm chất của mình.

Với học sinh và phụ huynh:

Thứ nhất phải xác định được sở thích, năng lực, mong muốn nghề nghiệp của bản thân để từ đó chọn được môn học phù hợp.

Thứ hai, tham khảo các tổ hợp môn lựa chọn mà các trường trung học phổ thông đã đưa ra để chọn trường có tổ hợp môn lựa chọn phù hợp với mình.

Thực tế hiện nay, chất lượng giáo dục giữa các trường trong cùng địa phương cũng tương đương nhau, ngoài ra kết quả học tập phụ thuộc rất lớn vào khả năng tự học của học sinh, nên khái niệm trường tốt không còn phụ thuộc riêng vào nhà trường nữa.

Thứ ba, học sinh cần trao đổi với gia đình về sở thích, mong muốn nghề nghiệp của mình, để phụ huynh cân đối tiềm lực kinh tế của gia đình, có lời khuyên chọn nghề, chọn trường cho phù hợp.

Phụ huynh cần đồng hành với con em mình, tránh việc phó hoàn toàn cho các em, hạn chế bớt chọn trường, chọn tổ hợp môn lựa chọn theo phong trào, dẫn đến phải thay đổi môn lựa chọn giữa chừng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.