Đơn vị:

Viêm da cơ địa ở chân: Nguyên nhân, hình ảnh và cách điều trị

Bùi Việt

Viêm da cơ địa ở chân là phản ứng viêm da ở chân dễ nhầm lẫn với các vấn đề về da liễu khác, cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vậy đâu là nguyên nhân, hình ảnh viêm da cơ địa ở chân, cách điều trị như thế nào? Bác sĩ CKI Võ Thị Tường Duy, Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ Da, Trung tâm khám chữa bệnh Tâm Anh Quận 7 giải đáp thắc mắc trong bài viết bên dưới.

Viêm da cơ địa ở chân: Nguyên nhân, hình ảnh và cách điều trị

Viêm da cơ địa ở chân là gì?

Viêm da cơ địa ở chân là tình trạng viêm da gây ngứa có thể gồm các triệu chứng như khô da, bong tróc bề mặt, mụn nước hoặc vết tích mụn nước, đóng vảy và tiết dịch bề mặt, có thể kèm trợt, loét da, sưng, ứ dịch ở chân. Ai cũng có thể bị viêm da cơ địa ở chân hoặc bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, bệnh có thể kéo dài (mạn tính), đôi khi có xu hướng bùng phát, gây khó chịu nhưng không lây nhiễm.

Dấu hiệu nhận biết chân bị viêm da cơ địa

Dấu hiệu nhận biết chân bị viêm da cơ địa bao gồm: (1)

  • Mụn nước rỉ dịch, đóng vảy bề mặt.
  • Da khô hoặc bề mặt da sần sùi, thô ráp.
  • Các vùng da có nhiều vết cào gãi, vết tích mụn nước.
  • Thay đổi màu da, như chuyển sang màu tím, xơ cứng da - mỡ, da tối màu hơn bình thường.
  • Da đỏ, sưng viêm, tiết dịch, có thể kèm phù nề phần thấp, ứ dịch, bề mặt trợt, loét, có mùi hôi khó chịu.
  • Một số vùng da bị dày lên, xảy ra sau khi bị viêm, tổn thương và cào gãi trong thời gian dài.
  • Suy giãn hệ tĩnh mạch.
  • Các triệu chứng có thể đi kèm với các bệnh nội khoa khác: suy giãn tĩnh mạch chi dưới, cơ địa dị ứng, khô da, đái tháo đường, nhiễm trùng da,…

Trong đó, ngứa dữ dội là triệu chứng phổ biến nhất, ngứa khiến người bệnh gãi không ngừng, làm da bị tổn thương, nhiễm trùng, khó lành từ đó các triệu chứng viêm da cơ địa ở chân tiến triển nhanh hơn, điều này làm bệnh trầm trọng hơn, khó kiểm soát.

Hình ảnh viêm da cơ địa ở chân

Một số hình ảnh viêm da cơ địa ở chân cụ thể thực tế

Viêm da cơ địa ở chân: Nguyên nhân, hình ảnh và cách điều trị
Viêm da cơ địa ở chân đặc trưng bởi các mảng đỏ, ngứa, vùng da bị ảnh hưởng dày lên sau thời gian cào, gãi.
Viêm da cơ địa ở chân: Nguyên nhân, hình ảnh và cách điều trị
Viêm da cơ địa ở chân có biểu hiện là các vùng da đỏ, sần sùi, gây ngứa hoặc tiết dịch có mùi khó chịu.
Viêm da cơ địa ở chân: Nguyên nhân, hình ảnh và cách điều trị
Viêm da ở địa cũng có thể xuất hiện ở bàn chân, lòng bàn chân, gây có mảng sần, đôi khi nứt da, chảy máu, gây ngứa, rát, khó chịu
Viêm da cơ địa ở chân: Nguyên nhân, hình ảnh và cách điều trị
Viêm da cơ địa ở chân biểu hiện dưới các mảng da chết, có màu đỏ hoặc nâu, xơ cứng da

Nguyên nhân bị viêm da cơ địa ở chân

Nguyên nhân bị viêm da cơ địa ở chân được xác định chủ yếu đến từ chính cơ địa của người bệnh, một số trường hợp có thể có nguyên nhân do: (2)

  • Ứ đọng tĩnh mạch.
  • Cơ địa bị chàm thể tạng.
  • Suy giãn tĩnh mạch.
  • Nhiễm trùng.
  • Viêm da tiếp xúc.
  • Các yếu tố về thể chất: thừa cân, béo phì, suy giảm miễn dịch,…
  • Các tình trạng nội khoa khác: suy tim, phù bạch huyết, đái tháo đường,…

Người bệnh có tình trạng suy giãn tĩnh mạch chi dưới hoặc mắc các bệnh nội khoa có gây ứ đọng dịch thường sẽ bị phù nề chi dưới, tình trạng này xuất hiện rõ hơn khi đứng lâu và khi đi lại nhiều. Áp Lực mao mạch tăng lên cùng với sự mất toàn vẹn của nội mô mạch máu, dẫn đến rò rỉ fibrin, phá vỡ chức năng hàng rào biểu mô dẫn đến viêm da tại chỗ.

Vùng da bị ảnh hưởng thường gặp ở ống chân, cổ chân, bàn chân, phù nề, có màu đỏ tím và có vảy, có thể rỉ dịch, ứ mủ có mùi hôi tanh, đóng vảy và nứt, thường xuyên bị ngứa. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi.

Viêm da cơ địa ở chân: Nguyên nhân, hình ảnh và cách điều trị
Ứ đọng hoặc suy giãn tĩnh mạch là nguyên nhân gián tiếp làm bùng phát các đợt viêm da cơ địa ở chân

Đối tượng dễ mắc viêm da cơ địa ở chân

Đối tượng dễ mắc viêm da cơ địa ở chân là những người từng bị bệnh chàm (nói chung), người bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới, bị suy tim, phù mạn tính chi dưới, cơ địa dị ứng, suy giảm miễn dịch, nhiễm trùng da, viêm da tiếp xúc,… Ngoài ra, viêm da cơ địa ở bàn chân có thể mắc phải ở mọi đối tượng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi xuất hiện các triệu chứng hoặc nghi mắc viêm da cơ địa ở chân, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị, tránh để bệnh tiến triển, gây biến chứng nặng nề, gây khó khăn trong việc điều trị, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Chẩn đoán viêm da cơ địa ở chân

Chẩn đoán chân bị viêm da cơ địa bằng cách: (3)

  • Bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử và tiền sử bản thân, gia đình của người bệnh.
  • Các triệu chứng lâm sàng.
  • Bệnh nội khoa kèm theo.
  • Chẩn đoán cận lâm sàng bao gồm: sinh thiết da để xác nhận chẩn đoán hoặc loại trừ các nguyên nhân khác, các xét nghiệm máu khác nếu cần.
  • Xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn và kháng thuốc định tính nếu cần.
  • Xét nghiệm dị nguyên nếu nghi ngờ liên quan đến dị ứng.

Cách điều trị viêm da cơ địa ở chân

Cách điều trị viêm da cơ địa ở chân sẽ không giống nhau cho mọi trường hợp mà tùy vào từng nguyên nhân, điều trị sẽ được cá thể hóa theo từng trường hợp, từng mức độ và biểu hiện của bệnh.

Các trường hợp viêm da cơ địa ở chân giai đoạn đầu (khởi phát) có thể sẽ cần sử dụng kháng viêm để giảm triệu chứng hoặc ở giai đoạn sau, khi vùng da bị ảnh hưởng bắt đầu khô, bong tróc có thể cần sử dụng thêm dưỡng ẩm và phục hồi hàng rào bảo vệ da. Các trường hợp viêm da cơ địa ở chân nghi có liên quan yếu tố dị ứng, kích ứng thì ngoài việc điều trị tích cực, viêm da cơ địa cần phải tìm và loại bỏ các nguyên nhân gây dị ứng, kích ứng.

Ngoài ra, cần điều trị tích cực đối với các vấn đề nội khoa kèm theo nếu có như suy giãn tĩnh mạch, suy tim, sung huyết, đái tháo đường,… nếu đây là nguyên nhân gây viêm da cơ địa ở chân.

Trong trường hợp viêm da cơ địa ở chân gây ra vết loét, người bệnh cần phải được chăm sóc vết loét và băng nén vết thương mỗi ngày bằng các sản phẩm băng gạc vô trùng, ít gây dị ứng. Nếu có nhiễm trùng, bác sĩ cần điều trị nhiễm trùng tích cực.

Viêm da cơ địa ở chân: Nguyên nhân, hình ảnh và cách điều trị
Thuốc, kem bôi kê đơn được sử dụng trong điều trị viêm da cơ địa ở lòng bàn chân

Biện pháp ngăn ngừa viêm da cơ địa ở chân bộc phát

Biện pháp ngăn ngừa viêm da cơ địa ở chân bao gồm:

  • Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt sau khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, sau đó lau khô bề mặt da.
  • Giữ ẩm cho da bằng kem dưỡng ẩm.
  • Uống đủ nước để da không bị khô.
  • Hạn chế tắm nước nóng quá lâu dễ làm da bị tổn thương.
  • Không mang tất, giày, quần áo chật, gây hầm bí và cản trở lưu thông máu.
  • Chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung thực phẩm giàu vitamin và rau xanh, giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh từ bên trong.
  • Thường xuyên kê cao chân để hạn chế ứ trệ tuần hoàn.

Bài viết liên quan:

  • Viêm da cơ địa có lây không?
  • Viêm da cơ địa ở tay

Một số câu hỏi liên quan

1. Viêm da cơ địa ở chân có chữa được không?

Viêm da cơ địa ở chân có thể chữa được bằng các phương pháp điều trị hỗ trợ, giúp cải thiện tình trạng bệnh, sau đó điều trị nguyên nhân. Tùy vào nguyên nhân, các phương pháp chữa bệnh sẽ khác nhau, bác sĩ dựa trên nguyên nhân, tình trạng để lên phác đồ điều trị phù hợp. Viêm da cơ địa liên quan yếu tố di truyền thường mạn tính, khó để điều trị dứt điểm.

2. Viêm da cơ địa ở chân có tự khỏi không?

Viêm da cơ địa ở chân không tự khỏi mà cần phải chăm sóc và điều trị đúng cách. Quá trình điều trị viêm da cơ địa ở bàn chân cần nhiều thời gian để điều trị khắc phục nguyên nhân, phục hồi da sau các đợt viêm da bùng phát.

3. Viêm da cơ địa ở chân có xăm được không?

Viêm da cơ địa ở chân có thể xăm được hoặc không, tùy trường hợp. Nếu vùng da xăm không phải vùng da đang bị viêm thì vẫn xăm được. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo, không xăm khi chân bị viêm da cơ địa đang trong quá trình điều trị. Nếu muốn xăm, trước tiên phải điều trị bệnh và phục hồi da hoàn toàn.

4. Viêm da cơ địa ở chân kiêng gì?

Viêm da cơ địa ở chân có thể ăn uống bình thường nếu nguyên nhân không phải do cơ địa dị ứng. Nếu cơ địa có dị ứng, nên kiêng dị nguyên hoặc các nhóm thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, thịt đỏ, sữa và các sản phẩm từ sữa, đậu nành, thực phẩm chứa chất phụ gia, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, trứng, trái cây sấy và thực phẩm lên men. Các loại thực phẩm này dễ khiến tình trạng ngứa trầm trọng hơn.

Viêm da cơ địa ở chân là bệnh về da phổ biến, do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, trong đó có di truyền. Tuy ít gây nguy hiểm nhưng gây ngứa nhiều, dễ biến chứng nhiễm trùng, diễn tiến có thể mạn tính gây suy giảm chất lượng cuộc sống, do đó bệnh cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Điều trị viêm da cơ địa ở chân nói riêng, viêm da cơ địa, bệnh chàm nói chung và các vấn đề về da khác tại khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM và Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ Da, Trung tâm khám chữa bệnh Tâm Anh Quận 7, người bệnh sẽ được các bác sĩ là những chuyên gia hàng đầu, trực tiếp chẩn đoán và điều trị với phác đồ cá thể hóa, phù hợp cho từng tình trạng bệnh.

Hy vọng với những thông tin bài viết vừa chia sẻ đã giúp bạn hiểu thêm về bệnh viêm da cơ địa ở chân, có nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị như thế nào. Viêm da cơ địa ở bàn chân cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để phục hồi vùng da bị tổn thương, giúp giảm triệu chứng và giảm nguy cơ biến chứng.