Đơn vị:

Nắng nóng kéo dài hơn 70 ngày tạo ra kỷ lục ở Nam Bộ liệu có phải sắp kết thúc ?

Bùi Việt

Bắt đầu từ cuối tháng 3/2024 đến nay, trong suốt liên tục một tháng, người dân TPHCM phải hứng chịu chuỗi ngày nắng nóng dài kỷ lục trong gần 30 năm. Tính từ đầu năm, TPHCM trải qua hơn 70 ngày nắng nóng oi bức, thời tiết gây khó chịu cho người dân nơi đây.

thoi-tiet-levu-1714806520.jpg
 

Nắng nóng dài kỷ lục 30 năm bao giờ kết thúc?

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khu vực từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên, Nam Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc 13h trưa phổ biến 34-36 độ, có nơi trên 37 độ như: Sơn Hòa (Phú Yên) 38 độ, Tây Ninh (Tây Ninh) 38.3 độ, Tà Lài (Đồng Nai) 37.3 độ, Thủ Dầu Một (Bình Dương) 37.4 độ, … độ ẩm thấp nhất phổ biến 45-50%.

Ngày 04/5, khu vực từ Quảng Nam đến Bình Thuận có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 50-55%. Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 45-50%.

Khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế và Tây Nguyên có nơi nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trên 35 độ. Từ ngày 05/5, nắng nóng diện rộng ở các khu vực trên có khả năng kết thúc.

11-1714806520.jpg
 

Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong suốt 4 tháng, thời tiết nhiều tỉnh, thành Nam Bộ liên tiếp xảy ra các đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, có thời điểm mức nhiệt xấp xỉ 40 độ C. Nắng nóng với nền nhiệt độ cao, độ ẩm không khí thấp gây nhiều ảnh hưởng bất lợi đối với sức khỏe người dân. Theo dõi diễn biến thời tiết trong khoảng 30 năm qua tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, có thể thấy chuỗi ngày nắng nóng kéo dài gần đây đã phá vỡ nhiều đỉnh lịch sử.

nang-moi-1714806520.jpg
 

Theo Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy, nắng nóng gay gắt diễn ra trên diện rộng địa bàn tỉnh. Tại thành phố Biên Hòa, nhiệt độ cao nhất đạt 40 độ C vào trưa 9/4 trở thành nhiệt độ cao nhất trong năm nay và cũng là cao nhất trong chuỗi quan trắc tại trạm Biên Hòa từ trước đến nay. Trước đó, nhiệt độ cao nhất tại trạm Biên Hòa từng ghi nhận đạt 39,6 độ C vào năm 1998 và đạt 39,4 độ C vào năm 2023.

Từ cuối tháng 3/2024 đến nay, trong suốt liên tục một tháng, người dân TPHCM cũng đang phải hứng chịu chuỗi ngày nắng nóng dài kỷ lục trong gần 30 năm. Tính từ đầu năm, TPHCM trải qua hơn 70 ngày nắng nóng, theo dữ liệu của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ. Số đợt nắng nóng - nhiệt độ cao nhất trên 35 độ C từ hai ngày liên tiếp trở lên - tương đồng với các năm El Nino trước, nhưng mỗi đợt trở nên dài hơn.

Mùa mưa năm nay sẽ đến muộn hơn? 

Theo ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết nguyên nhân nắng nóng kéo dài ở Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ sau Tết Giáp Thìn chủ yếu do hệ thống thời tiết trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua Nam Trung Bộ hoạt động mạnh chi phối chính đến thời tiết khu vực Nam Bộ. Đây là trường phân kỳ nên làm hạn chế bốc hơi nước, không khí bị khô, độ ẩm không khí thấp, khó đạt điều kiện hình thành mây nên bức xạ Mặt Trời chiếu trực tiếp xuống, làm cho nhiệt tăng cao.

Trong các đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ thực tế từ ngày thứ 5, 6 thường cao hơn nhiều so với con số đo trong lều khí tượng. Quá trình tăng cấp này đến từ sự cộng hưởng giữa nhiệt độ ánh nắng Mặt Trời với hấp thụ nhiệt của vật liệu trong môi trường, như các bề mặt bêtông và đường nhựa, có thể lên tới 80-90%. Chưa kể nhiệt lượng tỏa ra từ các phương tiện xe cộ đông đúc trong thành phố càng khiến cảm nhận nhiệt độ thực tế lớn hơn 2-4 độ C so với nhiệt độ dự báo, có thể lên tới 42-45 độ C.

052244-nang-nong-1714806520.jpeg
 

Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ dự báo số ngày nắng nóng năm nay sẽ nhiều hơn trung bình các năm trước, nên khả năng thời gian bắt đầu mùa mưa năm nay đến muộn hơn các năm, có thể vào ngày 10-15/5. Tuy nhiên, dự báo nắng nóng vẫn tiếp tục trong giai đoạn đầu mùa mưa. Nhiều đợt nắng nóng diện rộng có thể xuất hiện ở cả miền Đông và miền Tây Nam Bộ với nhiệt độ cao nhất 37-38 độ C và trên 38 độ C ở các tỉnh miền Đông và ven biên giới Tây Nam.

Ông Lê Đình Quyết cho rằng El Nino được dự báo kết thúc trong năm nay, dù vậy, cường độ nắng nóng tại Nam Bộ chưa chắc đã giảm trong mùa khô những năm tới. Nguyên nhân vì biến đổi khí hậu đang ngày càng bất thường, dễ phá vỡ các quy luật cũ, đồng nghĩa với việc dự báo cũng khó khăn hơn.

Báo cáo nhận định thời tiết hạn mùa của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho thấy, từ tháng 5 đến tháng 7, hiện tượng El Nino vẫn duy trì nhưng cường độ suy yếu dần (từ nay đến khoảng tháng 6/2024), sau đó có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 75 - 80%.

Từ nay đến tháng 7, trên Biển Đông có thể có bão nhưng số lượng cơn bão (hoặc áp thấp nhiệt đới) thấp hơn trung bình nhiều năm (trung bình các năm là 2 - 3 cơn). Năm nay, mùa mưa tại Bắc bộ và Trung bộ có khả năng xuất hiện tương đương trung bình nhiều năm. Mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam bộ xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 6, gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình.