Nắng nóng gay gắt, hàng loạt trạm đo được nhiệt độ ngoài trời trên 40 độ C

Theo thống kê mới được cập nhật vào lúc 13h trưa nay (27/4), có đến 23 trạm đo của cơ quan khí tượng cho kết quả nhiệt độ trên 40 độ C. Đây là nhiệt độ trong lều khí tượng, nhiệt độ ngoài trời có thể cao hơn đến 4 độ C, tức 44-46 độ C trời nắng nóng gay gắt.

img-5246-1714215187.jpeg
 

Nhiệt độ có thể lên 44-46 độ C

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 27/4, khu vực Sơn La, Hòa Bình và từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ lúc 13h phổ biến 38-40 độ, có nơi trên 41 độ như: Yên Châu (Sơn La) 41.5 độ, Tương Dương (Nghệ An) 41.6 độ, Ba Đồn (Quảng Bình) 41.6 độ, Đông Hà (Quảng Trị) 42.1 độ, Tp Huế (T.T.Huế) 41.4 độ, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 41.3 độ,…độ ẩm tương đối lúc 13h phổ biến 30-35%.

Khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ lúc 13h phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 39 độ như: Phố Ràng (Lào Cai) 38.8 độ, Láng (Hà Nội) 39.4 độ, Phủ Lý (Hà Nam) 40.6 độ, Đồng Phú (Bình Phước) 39.2 độ…; độ ẩm tương đối lúc 13h phổ biến 40-45%.

Khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận và Tây Nguyên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ lúc 13h phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối lúc 13h phổ biến 45-50%.

Đáng chú ý, trong 37 trạm đo có nhiệt độ trên 39 độ C thì có đến 23 trạm đo ghi nhận mức nhiệt cao trên 40 độ C. Trong đó cao nhất là Quảng Trị ghi nhận 42,1 độ C, tất cả các điểm đo ở Quảng Bình gồm Tuyên Hóa, Đồng Hới, Ba Đồn đều trên 40 độ C. 4 trạm đo của Hòa Bình đều ghi nhận nhiệt độ cao trên 40 độ C gồm Mai Châu, Chi Nê, Lạc Sơn và TP Hòa Bình. Thừa Thiên Huế ghi nhận 2 điểm trên 40 độ C là Thành phố Huế và Nam Đông. Tỉnh Hà Tĩnh có 3 điểm trên 40 độ C. Tại Hà Nội, hai trạm Ba Vì và Láng đêu ghi nhận nhiệt độ lần lượt là 39,2 và 39,4 độ C.

Cơ quan khí tượng lưu ý, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa. Điều này đồng nghĩa nhiệt độ ngoài trời ở nhiều nơi có thể lên đến 44-46 độ C, nắng nóng cực kỳ gay gắt.

Cơ quan khí tượng dự báo ngày mai (28/4) sẽ là cao điểm của nắng nóng. Khu vực Sơn La, Hòa Bình và từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 38-41 độ, có nơi trên 41 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 30-35%.

Khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-39 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 40-45%.

Khu vực Khánh Hòa đến Bình Thuận và Tây Nguyên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 45-50%.

Dự báo chi tiết:

img-5247-1714215216.jpeg
 

Cơ quan khí tượng cảnh báo, do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Bảo vệ sức khỏe khi trời nắng nóng

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai nhận định, đợt nắng nóng này có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận ở một số trạm đo khu vực Bắc Trung Bộ.

"Nhìn bầu trời hôm nay thấy có sự phân tầng không khí rất rõ rệt. Mật độ không khí ở độ cao từ 2000m trở xuống rất đậm đặc, đặc biệt là tầng sát mặt đất. Mật độ không khí càng đặc càng tích tụ nhiệt nhiều.
 

img-5214-1714215265.jpeg
 

Trong khi đó ở độ cao 5000m có nhiệt độ không khí 0 độ C (nhiệt độ ngưng tụ hơi nước). Hơi nước không bốc hơi cao lên tới 5000m được nên không ngưng tụ thành mây. (Trừ một số nơi ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long có ngưng tụ mây theo cụm ở tầng thấp có thể gây mưa rào cục bộ)", TS Nguyễn Ngọc Huy nói.

Để bảo vệ sức khỏe và chủ động phòng chống dịch, bệnh trong mùa nắng nóng, người dân cần hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời. Mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi.

Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt cần uống tối thiếu 1,5 – 2 lít nước/ngày. Nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần. Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết nắng nóng.

Bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ như vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên định kỳ sau khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong khoảng thời gian từ 15 - 20 phút.

Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng.

Link nội dung: https://thoitiet360.net/nang-nong-gay-gat-hang-loat-tram-do-duoc-nhiet-do-ngoai-troi-tren-40-do-c-a5165.html