Điểm danh lại hai tháng mưa lũ bất thường ở miền Bắc gây ra hậu quả nghiêm trọng ở miền Bắc

Tháng 6-7, miền Bắc không quá nóng, tổng lượng mưa cao hơn nhiều so với dự báo đã gây lũ lớn, sạt lở đất làm 48 người chết, 12 người mất tích.

452407109-1938626466608274-861-9111-8480-1721869817-1722697403.jpg
 

Từ tháng 6, đang trong giai đoạn chính hè và chưa phải cao điểm mưa lũ (tháng 7-9), nhưng miền Bắc đã ghi nhận 12 ngày mưa lớn diện rộng vào hai đợt 4-10/6 và 23-27/6, tập trung ở các tỉnh phía Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết tổng lượng mưa tháng 6 ở miền Bắc phổ biến 200-600 mm, cao hơn 40-80% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng ven biển Bắc Bộ nhiều nơi cao hơn 100%.

Trước đó trong bản tin dự báo đầu tháng, cơ quan khí tượng nhận định tổng lượng mưa ở miền Bắc chỉ cao hơn 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Tháng 6 xác lập 13 kỷ lục mưa ngày và tổng lượng mưa tháng. Trong đó lượng mưa ngày lớn nhất là ở Tiên Yên (Quảng Ninh) 333 mm ngày 9/6, vượt mốc năm 2001 khoảng 84 mm.

Kỷ lục mưa 180 mm ngày 24/6 tồn tại 50 năm ở Kim Bôi (Hòa Bình) bị phá vỡ với mốc mới 195 mm. Tại Quảng Hà (Quảng Ninh), tổng lượng mưa tháng 6 đạt 1.100 mm, vượt kỷ lục năm 1991 hơn 120 mm.

452897227-507629241777540-7802-2639-4609-1721834978-1722697403.jpg
 

Trong bản tin dự báo khí hậu đầu tháng 7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định tháng này tổng lượng mưa trên cả nước xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Tuy nhiên, diễn biến một tháng qua đã cao hơn dự báo. Miền Bắc xuất hiện nhiều đợt mưa ngày 2-3/7 và 15-19/7 tại đồng bằng Bắc Bộ, trong đó ngày 18-19/7 mưa lan ra toàn miền. Hay đợt ngày 23-24/7, 29-31/7 mưa ở toàn miền Bắc và tiếp diễn đến đầu tháng 8.

Mưa nhiều khiến nền nhiệt độ tháng 6 và 7 đều thấp hơn so với trung bình 5 năm qua. Đơn cử nền nhiệt trung bình tháng 6 của trạm Láng (Hà Nội) giai đoạn 2019-2023 đều trên 31 độ C, nhưng năm nay chỉ 31 độ.

Tháng 7 năm nay chỉ ngưỡng 30,5 độ C. Không quá nóng, nhưng thời tiết oi bức khó chịu do chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm không lớn, độ ẩm không khí cao.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, lý giải tháng 6 mưa nhiều do rãnh gió mùa ở phía Bắc hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm, khiến cho khu vực luôn tồn tại một dải mây đối lưu.

451426066-1994924707604543-369-1736-7921-1721834978-1722697403.jpg
 

Sang tháng 7 xảy ra ba đợt mưa lớn do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Bắc và Trung Trung Bộ nối với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Đợt ngày 23-25/7 do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Prapiroon.

Còn đợt đang diễn ra do rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ nối với vùng xoáy thấp nằm trên Bắc Bộ phát triển từ mặt đất lên tới 5.000 m.

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu phân tích theo quy luật khí hậu, mùa mưa ở Tây Bắc là tháng 4-9, Đông Bắc tháng 5-10, cả hai khu vực đều mưa lớn nhất trong ba tháng 6-8.

fc209110d40f7151281e-8098-1721834978-1722697403.jpg
 

Đồng bằng Bắc Bộ mùa mưa 5-10, ba tháng mưa lớn nhất 7-9. Do đó tháng 6-7 thuộc vào giai đoạn chính mùa mưa ở miền Bắc. "Mưa lũ tháng 7 có thể khốc liệt hơn năm 2023, chứ không hơn so với một số năm trước", bà Ngà nói.

Theo ghi nhận, mưa lũ, sạt lở đất làm 48 người chết, 12 người mất tích.

Link nội dung: https://thoitiet360.net/diem-danh-lai-hai-thang-mua-lu-bat-thuong-o-mien-bac-gay-ra-hau-qua-nghiem-trong-o-mien-bac-a6262.html