Ngày 26/8/2024, UBND tỉnh Bắc Kạn công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với khu vực sạt lở đất tại thôn Nà Thác, xã Đổng Xá (Na Rì). Một số biện pháp khẩn cấp đã được cấp, ngành chức năng áp dụng để ứng phó và khắc phục hậu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở đất gây ra.
Để yên tâm sinh sống và sản xuất, các hộ dân trong khu vực sạt lở cần sự hỗ trợ kịp thời từ cấp trên.
Phía sau nhà các hộ dân là taluy dương có 02 vị trí bị sạt lở khoảng 50m3 đất, đá; phía sau taluy là sườn đồi cao khoảng 100m đang trồng cây keo nhỏ, độ dốc lớn, có nhiều vết nứt rộng 30cm, có cung trượt dài trên 50m, chiều sâu vết nứt có điểm quan sát được khoảng 1m dọc theo đường khai thác gỗ do người dân tự mở giữa sườn đồi; phạm vi ảnh hưởng tính theo chiều dài khoảng 150m.
Những số liệu này được UBND huyện Na Rì báo cáo tỉnh sau khi kiểm tra thực tế tại khu vực sạt lở thôn Nà Thác. Đến hiện tại, các vị trí sạt lở, vết nứt, cung trượt không diễn biến phức tạp thêm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy hiểm nếu trời mưa to có thể vùi lấp nhà dưới chân đồi.
Trưởng thôn Nà Thác, anh Đặng Sinh Văn cho biết: Thời điểm nguy cấp, thôn đã tổ chức lực lượng giúp các hộ dân di dời khỏi khu vực sạt lở. Đồng thời cắm biển cảnh báo, tuyên truyền, vận động bà con không quay lại sinh sống tại khu vực này. Tính theo chiều dài khu vực sạt lở, phạm vi ảnh hưởng đến nhà của 07 hộ dân với 24 nhân khẩu, trong đó, 06 hộ thuộc diện hộ nghèo.
Tuân thủ khuyến cáo của cấp, ngành chức năng, những ngày qua, gia đình anh Triệu Văn Hai đã về nhà cũ ở thôn Khuổi Nạc, thỉnh thoảng mới quay lại trông nom nhà, vườn cây ở Nà Thác.
“Thiên tai có thể ập xuống bất cứ lúc nào, nếu mình chủ quan cố tình ở lại sẽ nguy hiểm tính mạng của cả gia đình. Mong sao cấp trên sớm có giải pháp để nhà tôi và bà con trong khu vực sạt lở ổn định cuộc sống và sản xuất”, anh Triệu Văn Hai nói.
Gia đình anh Triệu Văn Thay có 03 nhân khẩu. Vợ chồng anh đang làm ở Hà Nội, con đi học xa. Nghe tin quả đồi sau nhà bị sạt, nứt có thể vùi lấp nhà bất cứ lúc nào, anh Thay đã vội xin nghỉ việc về quê thăm nắm tình hình.
Anh Thay xót xa: “Căn nhà vợ chồng tôi xây từ năm 2015 tốn hơn 200 triệu đồng. Bao công sức, tiền bạc xây dựng nhà, cải tạo vườn đồi giờ không được ở nữa xót của lắm. Nhà tôi thuộc diện hộ nghèo, vẫn còn nợ ngân hàng 100 triệu đồng, giờ không biết lấy tiền đâu mua đất, làm nhà chỗ mới. Tôi khẩn thiết mong nhận được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ".
Nắm bắt được thông tin, từ đầu tháng 8 đến nay, các sở, ngành chuyên môn, UBND huyện Na Rì và chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều đoàn công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình, động viên người dân và tìm phương án khắc phục.
Hiện nay, đời sống sinh hoạt, sản xuất của các hộ dân trong khu vực đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai thôn Nà Thác đang gặp nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ kịp thời của cấp, ngành chức năng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nông Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Đổng Xá cho biết: Các hộ dân nằm trong khu vực đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đều nhất trí và đã di dời tạm thời ra khu vực an toàn. Chính quyền địa phương đang lấy ý kiến các hộ dân về việc bố trí mặt bằng mới, đăng ký hỗ trợ xây mới nhà từ các nguồn vốn chính sách của Nhà nước để sớm ổn định cuộc sống.
Link nội dung: https://thoitiet360.net/bac-kan-nguoi-dan-o-khu-vuc-sat-lo-dat-tai-thon-na-thac-mong-som-duoc-an-cu-a6578.html