Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đổ về khiến lũ ở miền Tây lên nhanh sau bão Yagi, thời tiết có bất thường?

 Do lũ thượng nguồn về kết hợp kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh.

lu-mien-tay-14315064-1726476271819-17264762721591788464879-1726494147.jpg
 

Chiều 16/9, trả lời báo giới, bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên Phó trưởng Phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, nước đầu nguồn đang lên nên nước sông Cửu Long cũng lên nhanh, mực nước cao.

Theo chuyên gia, nguyên nhân do ảnh hưởng của cơn bão Yagi và hoàn lưu sau đó nên khu vực thượng nguồn những ngày qua có mưa lớn, tích nước nhiều.

"Sau khi cơn bão đi qua miền Bắc nước ta và đổ bộ vào miền Bắc Lào và Thái Lan dẫn đến mưa lớn trên thượng nguồn sông Me Kong. Đáng chú ý, khi lũ thượng nguồn đổ về kết hợp đợt triều cường Rằm tháng Tám làm mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh", bà Lan nói.

Chuyên gia nhận định, khoảng ngày 17 Âm lịch (19/9) mực nước dâng cao và đạt đỉnh triều. "Sau khi đạt đỉnh triều thì mực nước sẽ giảm xuống, tuy nhiên, đầu tháng 9 Âm lịch mực nước tiếp tục lên nhanh trở lại.

Theo dự báo, từ nay đến đầu tháng 9 Âm lịch khả năng sẽ xuất hiên thêm 1 - 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới đi vào miền Trung và sẽ đổ bộ sang Lào, Thái Lan. Vì vậy, nguồn nước từ thượng nguồn vẫn sẽ tiếp tục đổ xuống", bà Lan nói.

Cũng theo đánh giá của chuyên gia, dù đỉnh lũ năm 2024 cao hơn năm 2023 khoảng 0,5m, nhưng đây là hiện tượng thời tiết bình thường.

"Năm nào không có lũ, hoặc lũ lớn quá thì mới được xem là bất thường. Tuy nhiên điều đáng lo là nước về đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu không còn theo dòng chảy tự nhiên nữa mà chịu tác động bởi những thủy điện ở vùng thượng nguồn và trung nguồn", chuyên gia nói.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong 24 giờ qua mực nước đo được tại hầu hết các trạm vùng hạ lưu các sông miền Tây Nam Bộ lên nhanh.

mien-tay2-8746-1726494147.jpg
 

Cụ thể, đến 7h ngày 16/9, mực nước cao nhất ngày thực đo tại các trạm ở mức như sau: Trạm Cần Thơ: 1,61m (dưới báo động 1) và trạm Mỹ Thuận: 1,61m - xấp xỉ mức báo động 1.

Theo dự báo, trong những ngày tới mực nước cao nhất ngày tại hầu hết các trạm trên các sông, kênh, rạch miền Tây Nam Bộ sẽ lên nhanh theo kỳ triều cường Rằm tháng Tám Âm lịch (ngày 17/9).

Đỉnh triều cao nhất trong đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 19-21/9 (tức ngày 17-19/8 Âm lịch). Cảnh báo về cấp độ rủi ro thiên tai do triều cường, mức độ rủi ro thiên tai khu vực hạ lưu sông Tiền và sông Hậu ở cấp 2. 

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh. Đến ngày 21-22/9, mực nước cao nhất tại trạm Tân Châu, Châu Đốc có khả năng lên trên mức báo động 1 từ 0,1-0,2m, sau đó biến đổi chậm.

Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và các vùng trũng thấp, ven sông tại các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long, đề phòng tình trạng sạt lở bờ bao, đê bao yếu tại các vùng xảy ra ngập lụt.

Link nội dung: https://thoitiet360.net/muc-nuoc-dau-nguon-song-cuu-long-do-ve-khien-lu-o-mien-tay-len-nhanh-sau-bao-yagi-thoi-tiet-co-bat-thuong-a6655.html