Hai cha con ông Lúa thay nhau lặn suốt 12 tiếng đồng hồ để đóng 6 cánh cửa cống, cứu Trạm bơm Cống Bún khỏi tình huống khẩn cấp, bảo đảm an toàn đê sông Thương.
Hôm 12/9, Trạm bơm Cống Bún (xã Đồng Sơn, TP Bắc Giang) xảy ra sự cố nứt bể xả. Đây là sự cố nguy cấp, nếu không khắc phục kịp thời sẽ nguy hiểm cho đê sông Thương, đe dọa sự an toàn của hàng nghìn hộ dân và hoạt động của các khu công nghiệp.
Trạm bơm Cống Bún gồm 3 cửa cống có 6 cánh, nhiệm vụ của cánh cổng là đóng mở tự động khi có sự chênh lệch của áp suất. Khi lũ đang trên mức báo động 3, nước ở vị trí thăng bằng không có áp suất nên cửa cống không đóng tự động.
Vì vậy, cần người xuống kiểm tra xem cửa cống có bị đất đá chèn gây ảnh hưởng việc đóng mở và móc nối dây cáp vào cửa cống để người ở trên kéo đóng cửa theo phương thức thủ công.
"Thời điểm xảy ra sự cố rò rỉ, nguy cơ vỡ bể, việc đóng cống là rất quan trọng, đảm bảo trường hợp bể vỡ xảy ra, nước sông Thương vẫn không thể tràn qua cống gây lụt", anh Trần Văn Hiệu, Quản lý Trạm bơm Cống Bún kể lại.
Trước tình hình khẩn cấp, chính quyền xã Đông Sơn liên lạc với cha con ông Nguyễn Văn Lúa (SN 1961, người địa phương) vì biết ông và con trai giỏi bơi, lặn, am hiểu địa hình, địa thế lòng sông. Họ từng nhiều lần cứu vớt người gặp nạn trên sông Thương.
Nhận được điện thoại cần hỗ trợ, ông Lúa cùng con trai là anh Nguyễn Văn Hai (SN 1987) vội gác mọi công việc, tất tả đến hiện trường. Hai cha con quyết tâm bằng mọi cách phải đóng được cánh cống để cứu trạm bơm, bảo đảm an toàn đê sông Thương.
“Sáng 12/9, tôi đã “ngâm nước” nửa ngày trời dưới ao, nhưng khi nhận tin về sự cố tại bể xả Trạm bơm Cống Bún, tôi gọi con trai nhanh chóng đến hiện trường. Không do dự, chúng tôi nhận lời với lãnh đạo tỉnh sẽ quyết tâm bằng mọi cách phải đóng được cánh cống để cứu trạm bơm”, ông Lúa nhớ lại.
Với kinh nghiệm hàng chục năm bơi, lặn, ông Lúa dùng dụng cụ thăm dò độ sâu cửa cống, xác định tọa độ và vị trí cánh cống. Việc này rất cần thiết, giúp ông định vị để lặn xuống và bơi lên.
Do ở độ sâu, lại mùa lũ nên tầm nhìn gần như bằng không. Hơn nữa, ông không dùng bất cứ thiết bị hỗ trợ nào, chỉ dựa vào kỹ năng nín thở lâu dưới nước để làm việc.
Trong khoảng thời gian đó, ông vừa chịu áp lực nước vừa phải dò tìm các điểm móc cáp cho lực lượng phía trên kéo cáp để đóng cửa. Không biết bao nhiêu lần ngoi lên lặn xuống, nhiều giờ đồng hồ mò mẫm, ông cũng móc được và ra tín hiệu cho người trên bờ kéo dây cáp đóng được 4 cánh cửa của 2 cống. Còn lại 2 cánh cửa cống bị đá chèn nên không thể đóng lại được.
Thời gian làm việc dưới áp lực nước quá lớn khiến ông Lúa bị chảy máu ở miệng và mũi. Anh Nguyễn Văn Hai đề nghị ông dừng lại và thay cha làm tiếp.
Khi xuống đến nơi, anh Hai phát hiện 4 cánh cửa trước được kéo đóng lại bị hở, anh lần mò móc cáp để kéo đóng, đồng thời lấy dây buộc cố định lại. Còn 2 cánh bị đất đá chèn, anh bê từng tảng đá, dọn dẹp để có thể đóng được lại.
Trong suốt 12 tiếng (từ 16h ngày 12/9 đến 4h ngày 13/9), ông Lúa cùng con trai lặn và chịu áp lực nước ở độ sâu khoảng 8m, giúp 6 cánh được đóng lại. Đến 16 cùng ngày, sự cố nứt bể xả Trạm bơm Cống Bún được khắc phục xong, bảo đảm an toàn.
“Hai bố con tôi làm công việc này trước hết vì trách nhiệm của công dân, đồng thời mong muốn đóng góp một phần bé nhỏ với địa phương trong tình huống cấp bách”, anh Hai chia sẻ.
Để động viên kịp thời những đóng góp xuất sắc tham gia khắc phục sự cố Trạm bơm Cống Bún, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã khen thưởng đột xuất với cha con ông Nguyễn Văn Lúa.
Link nội dung: https://thoitiet360.net/chuyen-bay-gio-moi-ke-ve-hai-cha-con-nhu-dai-ca-lan-sau-8m-xuyen-dem-va-tram-bom-ngan-lu-a6694.html