Sụn đóng vai trò miếng đệm nối kết 2 đầu xương, hỗ trợ chuyển động. Ngoài ra, sụn cũng là cơ quan định hình hình dáng cho tai, mũi,… nhưng cũng dễ bị tổn thương, hoặc bị ảnh hưởng chức năng bởi những vấn đề sức khỏe xương khớp.
Sụn là gì?
Sụn là một mô liên kết trơn thuộc hệ liên kết xương. Mô liên kết này có tính mạnh mẽ và độ linh hoạt cao, hoạt động như một bộ giảm xóc của cơ thể người. Có 4 loại sụn với những chức năng khác nhau, phân bố đều trên khắp cơ thể người. Trong đó, chức năng chính là hỗ trợ thực hiện chuyển động của xương.
Mô sụn rất dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng từ sự tác động của các cơ quan khác. Chúng không có mạch máu hay dây thần kinh, và hấp thu chất dinh dưỡng gián tiếp từ xương, dịch khớp, màng hoạt dịch… Vì vậy, khả năng phục hồi sau chấn thương của sụn cũng chậm hơn các cơ quan khác trong hệ vận động. (1)
Chấn thương và tai nạn lao động là 2 nguyên nhân phổ biến gây tổn thương, suy giảm chức năng của sụn. Lúc này, những cơn đau khớp sẽ xuất hiện, đặc biệt là khi vận động. Nguyên nhân do sự ma sát tăng cao giữa các đầu xương, cản trở người bệnh vận động sinh hoạt hằng ngày. Nguy hiểm hơn, các tình trạng tổn thương nếu không được can thiệp xử lý sớm sẽ bị thoái hóa, mất sụn… người bệnh đối diện nguy cơ cao bị tàn phế.
Chức năng của sụn
Mỗi loại sụn đảm nhận các chức năng khác nhau nhưng chức năng chính là “miếng đệm” liên kết các đoạn xương với nhau. Nhờ tính năng linh hoạt và đàn hồi nên giảm sự ma sát giữa xương, giúp chuyển động cơ thể mượt mà hơn. Đồng thời, mô sụn có tính liên kết chặt chẽ, che phủ đầu xương, bảo vệ khớp và xương. Tại vị trí đầu gối, hông đốt sống, sụn cũng hỗ trợ chịu lực và phân tán trọng lượng cơ thể. (2)
Mũi là nơi có lượng sụn nhiều nhất trên cơ thể. Phần sụn mũi và tai chủ yếu là tạo hình, giữ độ cứng dáng, nâng đỡ cấu trúc bên trong. Nhưng cũng tạo sự linh hoạt nhất định để hấp thụ các lực tác động từ bên ngoài và bảo vệ cho các mô bên trong.
Sụn có cấu tạo như thế nào?
Sụn được cấu thành từ tế bào chondrocytes, có nguồn gốc từ lớp mầm trung bì. Ban đầu mô sụn là một liên kết lỏng lẻo, cần phải qua quá trình biệt hóa của cơ thể mới trở thành miếng đệm có tính dẻo dai, đàn hồi cao. Một sụn khớp khỏe mạnh có 65% - 80% dịch mô. Những cấu phần còn lại bao gồm: sợi collagen, proteoglycan, chất nền, sợi protein và sợi elastin.
Sụn không có mạch máu bên trong, vì thế không nhận trực tiếp nguồn dinh dưỡng từ máu. Cũng dẫn đến tốc độ luân chuyển chậm của chất nền ngoại bào, khiến khả năng hồi phục sau tổn thương diễn ra chậm.
Thành phần cấu tạo nên sụn cũng không có dây thần kinh. Bất cứ tổn thương nào người bệnh đều không cảm nhận được. Những cơn đau được chẩn đoán do tổn thương sụn được xác định do phản ứng kích ứng của những cơ quan quanh đó bị ảnh hưởng như xương, khớp…
Sụn nằm ở đâu?
Mô sụn nằm ở giữa 2 đầu xương và có nhiệm vụ kết nối. Tại phần cuối của xương, mô sụn đóng vai trò là một cấu phần của khớp. Sụn nằm rải rác khắp cơ thể, trải dài từ đầu gối, khuỷu tay, khuỷu chân… đến cột sống, phổi, tai, mũi. Tại mỗi vị trí, chúng thực hiện những chức năng chuyên biệt khác nhau.
Các loại sụn có trong cơ thể
1. Sụn hyaline
Sụn hyaline là sụn chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong cơ thể người. Chúng hình thành bởi sợi collagen loại 2 và proteoglycan, được tìm thấy ở khí quản, mũi, xương ức và xương sườn. Sụn hyaline có màu trắng và xanh nhạt, theo thời gian, sụn thoái hóa sẽ chuyển dần về màu vàng. Tính chất đàn hồi của sụn làm giảm thiểu sự ma sát giữa các cơ quan và chịu đựng lực nén tại các vị trí khớp xương.
2. Sụn sợi
Sụn sợi được tìm thấy ở trong gân, dây chằng, đĩa đệm, trên bề mặt khớp và bên trong sụn chêm. Sụn sợi có tỷ lệ proteoglycan ít đáng kể so với sụn hyaline. Tuy nhiên, collagen 1 là thành phần chủ yếu của sụn sợi. Sợi collagen có liên kết mạnh mẽ, dày đặc, vì vậy tính đàn hồi cao hơn, có thể căng và nén tốt, hỗ trợ vận động của xương.
3. Sụn khớp
Sụn khớp không thể tự lành và thường bị bào mòn do các chấn thương. Vì vậy, trong một số trường hợp tổn thương sụn khớp, bác sĩ cần phẫu thuật can thiệp để kích thích phát triển sụn mới. Chức năng sụn khớp suy yếu có thể làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh lý viêm khớp và ngược lại. Sụn khớp hoạt động giúp làm giảm đau khớp, giảm ma sát, trì hoãn tốt sự phát triển của các bệnh lý viêm. (3)
4. Sụn đàn hồi
Sụn đàn hồi có màu vàng, nằm ở những cơ quan không chịu lực như mũi, tai, ống nối thanh quản - họng Eustachian và nắp thanh quản. Sụn đàn hồi là một mô liên kết dày đặc, có tính đàn hồi cao. Ở những vị trí này, sụn đàn hồi giúp các cơ quan có thể hồi lại cấu trúc ban đầu sau khi bị lực làm biến dạng. Ví như khi dùng tay uốn cong vành tai, lúc buông tay ra, tai trở lại hình dáng cấu trúc ban đầu.
Các bệnh lý liên quan đến sụn thường gặp
1. Rách sụn chêm
Rách sụn chêm là một dạng chấn thương sụn thường gặp nhất. 70% nguyên nhân gây rách sụn chêm là chấn thương đột ngột, tai nạn thể thao… Khi đầu gối bị trẹo, hoặc có lực lớn tác động gây biến dạng, sụn chêm bị mất khả năng bảo vệ khớp. Gây triệu chứng sưng, đau tại vị trí chấn thương, xuất hiện tiếng lục cục khi người bệnh di chuyển và hẹp phạm vi chuyển động khiến người bệnh khó co duỗi, đi lại.
Đây là một bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động của người bệnh và tiềm ẩn nhiều biến chứng:
- Teo cơ tứ đầu đùi
- Hư khớp gối
- Tổn thương lan sang dây chằng chéo trước, bong chỗ bám gân, phù tủy xương,…
2. Thoái hóa
Thoái hóa sụn thường phổ biến ở người lớn tuổi, xảy ra cùng với quá trình lão hóa tự nhiên của con người. Sụn bị thoái hóa sẽ mất dần tính đàn hồi, bị bào mòn hơn khiến các hoạt động di chuyển không được trơn tru như sụn khỏe mạnh.
Trong quá trình thoái hóa, người bệnh không có bất cứ triệu chứng đặc hiệu nào. Tuy nhiên, sẽ rất dễ gặp các tình trạng như cứng khớp vào buổi sáng, dễ bị tràn dịch khớp, giảm sức mạnh ở các khớp (như bị đau nhức cổ tay khi cầm vật nặng).
3. Thoát vị đĩa đệm
Đĩa đệm bao gồm nhân nhầy, vòng sợi và mâm sụn. Thoát vị đĩa đệm là tình trạng một hoặc nhiều đĩa đệm bị trượt ra khỏi cấu trúc và chèn ép lên tủy sống, các dây thần kinh. Bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, không chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi trong giai đoạn lão hóa xương khớp mà còn có khả năng xảy ra với người trẻ, vận động viên có tần suất hoạt động tay chân quá mức, người thừa cân béo phì, người bị chấn thương đột ngột…
Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm không đồng nhất, mỗi người sẽ có các dấu hiệu cảnh báo khác nhau tùy vào vị trí thoát vị. Tuy nhiên, ở vị trí nào cũng sẽ gặp các triệu chứng đau lưng và tê bì tay chân.
Cần làm gì để giữ sụn luôn khỏe mạnh?
Điều cốt lõi để giữ gìn sức khỏe sụn là bảo vệ toàn diện hệ cơ xương khớp. Đồng thời, duy trì sức khỏe tổng thể giúp giảm thiểu rủi ro viêm xương khớp do nhiễm khuẩn. (4)
Chủ động xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh sẽ giúp cải thiện chức năng và duy trì sức khỏe của sụn và hệ vận động. Những thói quen tốt bao gồm:
- Tập thể dục thường xuyên, tập các bài tăng cường cơ bắp và cải thiện nhịp tim
- Kiểm soát cân nặng ở mức ổn định để khớp sụn không phải chịu tải trọng vượt ngưỡng do mỡ cơ thể
- Hạn chế tối đa hoặc không hút thuốc (bao gồm thuốc lá điện tử và các sản phẩm khác)
- Không lạm dụng rượu bia
- Thực hiện các hoạt động đúng tư thế như khi chơi thể thao, khuân vác vật nặng; hay đi, đứng, ngồi hằng ngày. Những tư thế sai luôn ảnh hưởng đến chức năng khớp sụn, nếu kéo dài sẽ làm tăng cao nguy cơ bị mắc các bệnh liên quan.
Câu hỏi thường gặp
1. Sụn bị tổn thương có tự phục hồi không?
Sụn bị tổn thương không thể tự phục hồi do cấu tạo của sụn không có mạch máu và dây thần kinh nên không thể nhận được các chất dinh dưỡng từ nguồn máu nuôi. Khả năng tự phục hồi sau chấn thương của chúng thấp hơn so với tất cả các cơ quan khác trong cơ thể.
2. Các chấn thương và bệnh lý có gây đau ở sụn không?
Các chấn thương cô lập ở sụn không gây đau vì bên trong sụn không có dây thần kinh. Triệu chứng đau tại vị trí tổn thương là do những cơ quan xung quanh sụn chịu ảnh hưởng và gây đau.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và khoa Cơ xương khớp - Hệ thống BVĐK Tâm Anh, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ Cơ xương khớp giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; PGS.TS.BS Vũ Thị Thanh Thủy, TS.BS Chế Đình Nghĩa, ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ; ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, ThS.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng, TS.BS Văn Đức Minh Lý, ThS.BS.CKII Nguyễn Ngọc Tiệp, ThS.BS ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học, ThS.BS.CKI Mai Hoàng Dương, ThS.BS Trần Thị Hoài Thanh, BS.CKI Kim Thành Tri, BS.CKI Lê Thanh Vương… Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ cập nhật quốc tế.
Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, robot Artis Pheno, máy đo mật độ xương, máy siêu âm, hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet, máy đo bàn chân bẹt và in 3D lót đế giày chuyên dụng, Robot lượng giá sức mạnh Dây chằng khớp gối… để có thể phát hiện sớm các tổn thương và điều trị hiệu quả các bệnh lý về cơ xương khớp…
BVĐK Tâm Anh còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật.
Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Sụn là một cơ quan quan trọng nằm trong hệ vận động, chịu trách nhiệm duy trì sự chuyển động và giảm ma sát giữa 2 đầu xương, giúp chuyển động diễn ra trơn tru hơn. Những bệnh lý liên quan đến sụn thường mất nhiều thời gian hồi phục do không có mạch máu để nhận dinh dưỡng trực tiếp từ cơ thể. Vì vậy, những trường hợp tổn thương sụn cần được can thiệp y khoa càng sớm càng tốt để giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cho người bệnh.