Trong bối cảnh một lớp học ngoại ngữ, các hoạt động dịch thuật thường tập trung vào việc dịch văn bản từ ngoại ngữ sang tiếng mẹ đẻ để hỗ trợ học sinh đọc hiểu văn bản dễ dàng hơn. Thật không thể phủ nhận rằng việc dịch thuật là cần thiết khi nó tạo điều kiện thuận lợi cho người học hiểu rõ từ vựng và cách diễn đạt bằng tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, một số phương pháp học hiện nay lại đang phản đối việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong các lớp học ngoại ngữ, cho rằng đó là rào cản nghiêm trọng đối với việc học ngôn ngữ hiệu quả.
Vì vậy, bài viết này sẽ phân tích các lợi ích và hạn chế của việc dịch thuật trong quá trình học và đọc tiếng Anh dựa trên các nghiên cứu trước đó. Đồng thời bài viết cũng sẽ chỉ ra những phương pháp, công cụ học dịch song ngữ Anh-Việt hiệu quả dành cho người học ở từng trình độ khác nhau.
Key takeaways
Việc dịch Anh-Việt không chỉ giúp người học ghi nhớ nghĩa của từ tốt hơn mà còn giúp làm rõ ngữ cảnh, cấu trúc câu và các cách diễn đạt trong tiếng Anh.
Tuy nhiên, lạm dụng dịch song ngữ cũng đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Về phía người học, dịch Anh-Việt cũng dễ gây ra sự thiếu tự nhiên khi sử dụng tiếng Anh, đồng thời khiến người học phụ thuộc quá mức vào ngôn ngữ mẹ đẻ.
Người học ở các trình độ khác nhau có thể linh hoạt áp dụng các cách học dịch như:
Ở trình độ Cơ bản: Bắt đầu làm quen với tiếng Anh bằng cách ghi nhớ các từ mới qua nghĩa tiếng Việt & Xây dựng bộ từ vựng theo từng chủ đề.
Ở trình độ Trung cấp: Hình thành mối liên kết giữa các từ vựng đã biết và những từ mới & Tập giải thích từ khó bằng những từ tiếng Anh đơn giản hơn.
Ở trình độ Nâng cao: Thực hành dịch một số đoạn văn trong bài đọc & Chọn lọc các từ mới để học.
Lợi ích và tác hại của việc dịch khi học ngoại ngữ
Lợi ích
Việc dịch song ngữ trong quá trình học và đọc tiếng Anh đã được chứng minh là đem lại nhiều lợi ích đáng kể cho người học, đặc biệt là với việc tiếp thu các thông tin mới. Thông qua việc dịch bài, người học không những hiểu rõ hơn về ngữ cảnh của đoạn văn mà còn có thể mở rộng vốn từ, phát triển kỹ năng sử dụng ngôn ngữ trong quá trình học tiếng Anh.
Thứ nhất, với đối tượng người học, dịch thuật không chỉ dừng lại ở việc học từ vựng, ngữ pháp mà còn giúp học sinh hiểu rõ hơn về cấu trúc ngôn ngữ và cách sử dụng ngôn ngữ mục tiêu (Richards, Richards, Rodgers & Coaut, 2001). Quan điểm này cũng được đồng ý bởi Skopeckova (2018). Cụ thể, nghiên cứu của ông đã chỉ ra rằng việc dịch có thể giúp người học trải nghiệm và đặt câu hỏi về cấu trúc ngữ pháp trong ngôn ngữ đích. Từ đó, người học cũng sẽ hiểu thêm về cách thức sử dụng các công cụ (từ, cụm từ…) trong ngôn ngữ đích trong các hoàn cảnh giao tiếp.
Thứ hai, việc dịch song ngữ cũng đã được chứng minh là đem lại hiệu quả nhất định trong các bài tập đọc hiểu. Để chứng minh cho quan điểm này, Lee (2013) đã thực hiện một thí nghiệm với hai nhóm sinh viên theo học và không theo học Ngành Ngôn ngữ Anh. Cả hai nhóm đều được cho đọc một đoạn văn bằng ngôn ngữ mục tiêu (tiếng Anh). Cuối cùng, hai nhóm học sinh làm bài kiểm tra đọc hiểu gồm năm câu hỏi trắc nghiệm, ba trong số đó liên quan trực tiếp đến đoạn văn họ đã dịch, trong khi hai câu còn lại liên quan đến các đoạn văn khác. Kết quả cho thấy những người tham gia có điểm cao hơn trong các câu hỏi liên quan đến đoạn văn họ đã dịch.
Tác hại
Tuy đem lại nhiều lợi ích nhưng việc dịch song ngữ cũng gây ra những bất cập nhất định. Một điểm yếu rõ rệt nhất của phương pháp học này là nó đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian. Bên cạnh đó, phương pháp dịch song ngữ cũng dễ khiến người học hình thành sự phụ thuộc vào ngôn ngữ mẹ đẻ hay hiểu sai ngữ cảnh của những từ mới đã học.
Thứ nhất, việc dịch song ngữ dễ gây ra sự thiếu tự nhiên khi sử dụng ngoại ngữ. Hiện tượng này xảy ra là bởi nhiều người học thường có thói quen chỉ dịch các từ đơn lẻ để học thuộc dễ dàng hơn. Đây không hẳn là phương pháp sai, nhưng nhiều khả năng sẽ dẫn đến sự thiếu tự nhiên khi người học sử dụng lại các từ đó sau này. Thông thường, các từ và cụm từ đều được sử dụng theo collocations (cách kết hợp các từ với nhau thành những cụm từ một cách tự nhiên theo thói quen của người bản xứ). Vì vậy, khi quá tập trung vào dịch các từ đơn lẻ, học viên sẽ rất dễ bỏ qua cấu trúc câu và ngữ pháp thường được dùng với từ gốc.
Ví dụ như với từ “attention” (sự chú ý), người bản xứ thường có thói quen sử dụng với động từ “pay” để tạo thành cụm “pay attention” (tập trung, chú ý vào việc gì). Tuy nhiên, nếu người học chỉ chú tâm vào dịch từ và học nghĩa tiếng Việt thì sẽ rất dễ hình thành các cụm từ sai như: “make attention”,…
Thứ hai, dịch song ngữ cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức từ người học. Một mặt, việc tra nghĩa tiếng Việt của các cụm từ tiếng Anh không phải lúc nào cũng hiệu quả. Bởi không phải tất cả từ, cụm từ tiếng Anh nào cũng có nghĩa song song trong tiếng Việt. Lấy ví dụ với cụm từ “secrecy jurisdiction”. Kết quả trên các công cụ tìm kiếm cho rằng “secrecy jurisdiction” có nghĩa tiếng Việt là “những khu vực pháp lý bí mật” hay “nơi tránh thuế”. Tuy nhiên, cụm từ này được giải thích theo tiếng Anh như sau: “places that provide facilities that enable people or entities to escape or undermine the laws, rules and regulations of other jurisdictions elsewhere, using secrecy as a prime tool.” (theo website taxjustice.net) Từ đây, có thể thấy rằng việc dịch nghĩa của từ sang tiếng Việt không phải lúc nào cũng hiệu quả, và thậm chí còn khiến cho từ trở nên khó hiểu hơn là khi đọc giải thích bằng tiếng Anh.
Mặt khác, việc dịch từ tiếng Anh qua nghĩa tiếng Việt cũng khiến người học phụ thuộc quá mức vào ngôn ngữ mẹ đẻ. Với kỹ năng đọc, việc dịch song ngữ rất dễ làm chậm tốc độ đọc hiểu của người học. Hơn nữa, người học cũng sẽ rất khó khăn khi thực hành nói bằng tiếng Anh, bởi họ không phát triển được khả năng suy nghĩ và diễn đạt trực tiếp trong ngôn ngữ mới.
Sự phụ thuộc vào dịch Anh-Việt cũng là một bất lợi lớn trong các bài thi đánh giá khả năng ngôn ngữ như IELTS, TOEFL,… Bởi thí sinh hoàn toàn không được sử dụng từ điển trong phòng thi, mà cần tận dụng kỹ năng để hiểu nghĩa của các từ/ cụm từ mới dựa vào ngữ cảnh của bài. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Richards et al. (2001) cũng đã chỉ ra rằng việc sử dụng dịch thuật trong các lớp học ngôn ngữ đã dẫn đến sự ngần ngại nhất định trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ cho mục đích học ngôn ngữ của học viên.
Từ những phân tích trên, có thể thấy việc dịch song ngữ Anh-Việt sẽ có ích khi người học tiếp thu và phân tích các kiến thức ngoại ngữ mới. Tuy nhiên, lại có những hạn chế nhất định khi áp dụng vào các kỹ năng đầu ra như Nghe, Viết, bởi các kỹ năng này đòi hỏi người học suy nghĩ bằng tiếng Anh để việc giao tiếp trở nên hiệu quả nhất.
Tìm hiểu thêm: Tầm quan trọng của ngữ cảnh trong việc học ngôn ngữ.
Hướng dẫn học dịch cho người học ở các trình độ khác nhau
Các cách học dịch dưới đây được gợi ý dựa trên các nhóm đối tượng người học khác nhau theo Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu (CEFR). Trong quá trình học tiếng Anh, người học nên chủ động chọn lọc để tìm ra phương pháp phù hợp nhất với bản thân.
Người học ở trình độ Cơ bản (A1-A2)
Ở trình độ cơ bản, người học chưa có đủ khả năng để suy nghĩ và tư duy bằng tiếng Anh. Vì vậy, nhóm này nên tập trung vào việc ghi nhớ các từ mới qua nghĩa tiếng Việt. Điều này sẽ giúp người học hiểu rõ ý nghĩa cơ bản của các từ được sử dụng trong văn bản. Sau khi đã tiếp xúc với nhiều bài đọc, người học có thể tự xây dựng cho riêng mình một “kho” từ vựng, cách diễn đạt trong tiếng Anh để giúp họ tự tin hơn khi đối mặt với các văn bản khó sau này.
Người học ở nhóm này có thể gặp khó khăn trong việc dịch các câu phức tạp trong một văn bản tiếng Anh do chưa có đủ vốn từ. Vì vậy, nên luyện tập dịch Anh-Việt với các cấu trúc câu đơn phổ biến để giúp cho việc học tiếng Anh trở nên dễ dàng hơn.
Người học ở trình độ Trung cấp (B1-B2)
Sau khi đã tích lũy được một lượng từ vựng cơ bản, người học ở trình độ Trung cấp nên bắt đầu liên kết giữa các từ vựng đã biết và những từ mới, hay nói cách khác là tập giải thích từ khó bằng những từ tiếng Anh đơn giản hơn. Ví dụ, khi học được từ “rapid”, người học có thể so sánh nó với từ đồng nghĩa đã biết là “fast”. Bằng cách học này, người học có thể dần dần hình thành thói quen suy nghĩ bằng tiếng Anh.
Ngoài ra, thay vì dịch các câu đơn giản như ở trình độ trước, người học nên thử sức mình bằng cách dịch một vài cấu trúc câu ghép & câu phức (compound and complex sentence) như: câu có sử dụng liên từ, câu mệnh đề quan hệ,…
Người ở trình độ Nâng cao (C1-C2)
Học viên ở trình độ cao cấp có thể thực hành việc dịch các đoạn văn ngắn trong bài đọc để thuần thục với các cấu trúc câu khó hơn. Tuy nhiên, nên có sự chọn lọc trong các từ mà bản thân sẽ học. Cụ thể, người học có thể loại bỏ bớt các từ vựng chuyên ngành, từ trang trọng ít khi dùng trong giao tiếp. Thay vào đó, nên lưu ý đến ngữ cảnh của từ và sự kết hợp từ vựng (collocations) để người học có thể sử dụng từ vựng một cách linh hoạt và chính xác hơn ở các kỹ năng đầu ra như Speaking và Writing.
Minh họa phương pháp học dịch với bài đọc IELTS Reading
Văn bản dưới đây được trích dẫn từ bài đọc “Why we need to protect polar bears” thuộc sách IELTS Cambridge 16, Test 1, Passage 1. Người học có thể tham khảo thêm câu hỏi và đáp án giải chi tiết các bài test khác thuộc Cambridge 16 tại bài viết này.
Với người học ở trình độ cơ bản, chỉ nên dịch các từ và câu cơ bản để hỗ trợ việc hiểu bài đọc. Ví dụ như trong bài đọc trên, người đọc có thể thành lập sơ đồ tư duy để ghi lại các từ vựng liên quan đến chủ đề như hình dưới đây:
Với người học ở trình độ trung cấp, khi tiếp xúc với các bài đọc dài nên tự thành lập cho mình các Keyword Table (bảng từ khóa) để liên kết những từ vựng đồng nghĩa với nhau. Ví dụ, với câu hỏi thứ nhất: “Polar bears suffer from various health problems due to the build-up of fat under their skin”, khi làm bài đọc, người học sẽ xác định được các từ khóa như: “suffer”, “health problems”, “build-up of fat”, “under their skin”.
Khi đã tìm được từ khóa trong câu hỏi, hãy lập ra một bảng từ khóa (keyword table) để so sánh các từ đồng nghĩa với từ khóa xuất hiện trong đoạn văn. Ví dụ, với câu hỏi số 1, đề bài đã khéo léo thay thế các từ khóa bằng những từ đồng nghĩa như bảng dưới đây:
Từ khóa trong câu hỏi
Từ khóa trong đoạn văn
suffer
experience
build-up of fat
up to 11 centimeters of fat
under
underneath
Với người học ở trình độ nâng cao, có thể luyện tập dịch một vài đoạn văn trong bài đọc ở trên, hoặc tập phân tích cấu trúc câu phức, câu ghép để dùng trong bài thi Nói và Viết. Ví dụ, người học có thể ghi chép lại một số cấu trúc câu hữu ích trong bài đọc trên như:
Cấu trúc câu
Ví dụ
Nghĩa tiếng Việt
One reason for … is that …
One reason for this is that polar bears have up to 11 cm of fat under their skin.
Một lý do cho điều này là gấu Bắc Cực có tới 11 cm mỡ dưới da.
To have far-reaching consequences
Eating processed food can have far-reaching consequences on our health
Ăn đồ ăn chế biến sẵn có thể gây ra những hậu quả sâu rộng đối với sức khỏe của chúng ta
Yet…
She forgot her umbrella at home, yet she didn't mind walking in the rain.
Cô ấy để quên ô ở nhà, nhưng cô ấy vẫn không ngại đi dưới trời mưa.
Ngoài ra, người đọc cũng có thể tự thành lập các danh sách từ vựng IELTS Reading theo từng chủ đề để sử dụng lại khi cần. Cách làm này có thể mất thời gian nhưng sẽ rất hữu ích khi vừa giúp mở rộng vốn từ vựng học thuật, vừa giúp người học làm quen với các cách diễn đạt trong bài thi IELTS. Tuy nhiên, việc học từ vựng cũng nên có sự chọn lọc để tránh gây lãng phí thời gian. Ví dụ, người học có thể chủ động bỏ qua các từ vựng chuyên ngành trong bài trên như: “adipose”, “low-density lipoproteins”, “osteoporosis”,… bởi các từ này thường chỉ được sử dụng trong chuyên ngành Y học.
Một số công cụ hỗ trợ dịch khi học Đọc tiếng Anh
Các trang báo điện tử song ngữ
Để hình thành thói quen đọc và nghe các nội dung tiếng Anh hàng ngày, người học có thể luyện tập phương pháp active translation (dịch chủ động). Đây là một hoạt động rất hữu ích để người học thấy được sự khác biệt khi diễn đạt 1 nội dung trong tiếng Việt và tiếng Anh.
Cách lý tưởng nhất để luyện tập phương pháp này là tìm đọc, nghe các nội dung đã được dịch sẵn, ví dụ như một bài báo có ở cả 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Tiếp theo, người học sẽ bắt đầu bằng việc chỉ đọc tiếng Anh. Trong khi đọc, hãy dịch bài viết sang tiếng Việt và cuối cùng là so sánh bản dịch của mình với bài viết ở tiếng Việt. Bài tập nhỏ này có thể giúp cho người học cải thiện ở cả vốn từ và việc hiểu các cấu trúc câu, ngoài ra cũng giúp tìm ra những lĩnh vực mà người học cần cải thiện.
Phiên bản tiếng Anh của Trang báo điện tử VnExpress. Nguồn: e.vnexpress.net
Hiện nay, tại Việt Nam đã có rất nhiều trang báo điện tử đăng tải nội dung song ngữ, người học có thể tham khảo một số website uy tín như: VnExpress International, Việt Nam News hay Vietcetera (International Edition),…
Xem thêm: Tổng hợp 5 trang báo song ngữ Anh Việt phổ biến hiện nay.
Các tiện ích mở rộng của Google Chrome
Khi đọc hoặc nghe các nội dung tiếng Anh chưa có bản dịch, người học có thể cài đặt các tiện ích hỗ trợ (extensions) ngay trên trình duyệt của mình để việc học từ mới trở nên dễ dàng hơn. Một trong những tiện ích hiệu quả trong nhóm này không thể không nhắc tới eJOY extension. Đây là một tiện ích mở rộng dành cho trình duyệt Chrome, giúp người học tra nghĩa trực tiếp ngay khi lướt web, đồng thời lưu từ vào sổ từ vựng riêng để ôn tập lại hàng ngày.
Tiện ích eJOY hỗ trợ dịch phụ đề tiếng Anh từ video “The science of laughter - Sasha Winkler” được đăng tải bởi TED-Ed. Nguồn: youtube.com.
Không chỉ giới hạn ở các nội dung dạng viết, tiện ích eJOY cũng hoạt động tốt ngay cả với phần phụ đề của các video trên Youtube. Bên cạnh nghĩa tiếng Việt của từ, eJOY cũng cho người học biết về mức độ phổ biến của từ, các từ đồng nghĩa, các câu ví dụ minh họa.
Ứng dụng đọc báo song ngữ trên điện thoại
Để việc học tiếng Anh trở nên dễ dàng hơn, người học cũng có thể cài đặt một số ứng dụng tích hợp đọc báo và từ điển trên điện thoại của mình. Một ứng dụng hữu ích có thể kể đến là 4English với giao diện đơn giản mà vẫn giúp người dùng học được cùng lúc 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết ở hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt.
Chuyên mục Tin mới của ứng dụng 4English. Nguồn: https://4englishapp.com/.
Hiện nay, phần Tin tức của ứng dụng này đã và đang đăng tải lại các bài báo từ những trang tin lớn như CBC, The New York Times, CNBC,… Mỗi khi có từ mới cần tra, người học chỉ cần nhấn vào từ đó và 4English sẽ cung cấp đầy đủ nghĩa tiếng Anh và nghĩa Việt của từ, đồng thời cũng hỗ trợ người học so sánh cách giải thích từ nhiều từ điển khác nhau.
Kết luận
Qua bài viết này, tác giả đã giới thiệu cho người đọc về những lợi ích và hạn chế đi kèm với cách học Đọc bằng phương pháp dịch song ngữ Anh-Việt. Nhìn chung, dịch song ngữ là một quá trình tốn nhiều thời gian, công sức và sẽ đòi hỏi sự kiên trì từ người học ngôn ngữ. Tuy nhiên, một khi được áp dụng hiệu quả, dịch song ngữ có thể hỗ trợ người học rất nhiều trong việc hiểu ngữ cảnh, cấu trúc câu, và truyền đạt lại ý tưởng của bản thân bằng ngoại ngữ một cách tự nhiên nhất.
Đọc tiếp: Luyện cách suy nghĩ bằng tiếng Anh theo phương pháp chủ động.
Tài liệu tham khảo
Skopečková, E. (2018). Translation and language learning: Untapped potential of functionalist approach to translation in the foreign language classroom. Brno Studies in English, 44(2), 5-17. Truy cập ngày: 15/1/2024. Link truy cập: https://doi.org/10.5817/BSE2018-2-1.
Richards, J. C., Richards, J. C., Rodgers, T. S., & Coaut, R. T. S. (2001). Approaches and Methods in Language Teaching. Cambridge University Press.
Tax Justice Network. (2021, December 6). Tax havens and secrecy jurisdictions - Tax Justice Network. Truy cập ngày: 15/1/2024. Link truy cập: https://taxjustice.net/topics/tax-havens-and-secrecy-jurisdictions/.
Cambridge English. (n.d.). Giải thích các chuẩn ngôn ngữ quốc tế. cambridgeenglish.org. Truy cập ngày: 15/1/2024. Link truy cập: https://www.cambridgeenglish.org/vn/exams-and-tests/cefr/.
Al-Musawi, N. M. (2014). Strategic Use of Translation in Learning English as a Foreign Language (EFL) among Bahrain University Students. Comprehensive Psychology, 3, 10.03.IT.3.4. https://doi.org/10.2466/10.03.it.3.4.
Alaboud, A. (2022). The Positive Effect of Translation on Improving Reading Comprehension among Female Arabic Learners of English as Foreign Language. Arab World English Journal, 13(2), 424-436. https://doi.org/10.24093/awej/vol13no2.29.