Đơn vị:

Da là gì? Cấu trúc, chức năng vai trò của da đối với cơ thể người

Bùi Việt

Da - cơ quan lớn nhất trong cơ thể, bộ phận liên tục phải đối mặt với các tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Do đó, việc chăm sóc và nuôi dưỡng da hàng ngày rất cần thiết. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu sâu hơn về cấu trúc, chức năng và vai trò của da đối với cơ thể người được ThS.BS Vũ Thị Thùy Trang, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ.

Da là gì? Cấu trúc, chức năng vai trò của da đối với cơ thể người

Da là gì?

Da là cơ quan có diện tích lớn nhất của cơ thể, được tạo thành từ nước, khoáng chất, protein và chất béo. Da có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi vi trùng và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Nhờ vào các dây thần kinh trên da giúp bạn có cảm giác nóng hay lạnh. (1)

Giải phẫu cấu trúc da có bao nhiêu lớp?

Ba lớp mô tạo nên da:

  • Thượng bì, lớp trên cùng.
  • Trung bì, lớp giữa.
  • Hạ bì, lớp dưới hay mô mỡ dưới da.
Da là gì? Cấu trúc, chức năng vai trò của da đối với cơ thể người
Da được cấu tạo bởi 3 lớp: lớp thượng bì, trung bì và hạ bì

1. Lớp thượng bì

Lớp thượng bì là lớp trên cùng của da, bạn có thể nhìn thấy và chạm vào. Lớp này bao gồm các tế bào sừng (keratinocyte), tế bào hắc tố (melanocyte), tế bào Langerhans, tế bào Merkel. Lớp thượng bì có 5 lớp tế bào: lớp đáy, lớp gai, lớp hạt, lớp bóng và lớp sừng.

2. Lớp trung bì

Lớp trung bì là lớp ở giữa trong cấu trúc da, bao gồm 2 phần: lớp nhú và lớp lưới. Bên trong lớp trung bì có nhiều sợi collagen, elastin, chất nền ngoại bào, mạng lưới thần kinh và mạch máu, các tế bào khác như nguyên bào sợi, tế bào mast và hệ thống nang lông tuyến bã.

3. Lớp hạ bì (mô mỡ dưới da)

Lớp hạ bì là lớp cuối cùng của da, còn được biết đến như lớp mô mỡ dưới da. Lớp này được cấu tạo bởi tế bào mỡ, nhiều tế bào mỡ hợp với nhau tạo thành tiểu thùy mỡ. Lớp hạ bì có chức năng bảo vệ da khỏi các chấn động đột ngột và giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.

Chức năng và vai trò của da đối với cơ thể người

1. Lớp biểu bì (lớp trên cùng)

1.1 Hàng rào bảo vệ

Lớp biểu bì hoạt động như một hàng rào, ngăn vi khuẩn và vi trùng xâm nhập vào cơ thể và máu, ngừa nhiễm trùng. Chúng cũng bảo vệ bạn khỏi các yếu tố môi trường như mưa và nắng.

1.2 Tái tạo làn da

Lớp thượng bì còn có khả năng tạo ra tế bào da mới. Mỗi ngày, cơ thể loại bỏ khoảng 40.000 tế bào da cũ và lớp biểu bì tạo ra tế bào mới để thay thế. Vì vậy, cứ sau 30 ngày bạn sẽ có 1 làn da mới.

1.3 Bảo vệ cơ thể

Tế bào Langerhans trong lớp biểu bì là một phần của hệ thống miễn dịch, giúp chống lại vi trùng và nhiễm trùng.

1.4 Cung cấp màu da

Lớp biểu bì chứa melanin, một loại sắc tố tạo ra màu da, tóc và mắt. Những người có nhiều melanin hơn sẽ có làn da sẫm màu hơn và có thể rám nắng nhanh hơn.

2. Lớp trung bì (lớp giữa của da)

Lớp trung bì có nhiều chức năng quan trọng:

2.1 Duy trì da ẩm mượt

Da thượng bì chứa các tuyến dầu (tuyến dầu tiết dầu) tạo ra một chất bôi trơn dầu (sebum) giúp da và tóc được được ẩm mượt.

2.2 Hỗ trợ lớp thượng bì

Cấu trúc của da thượng bì có các mạch máu giúp duy trì vận chuyển chất dinh dưỡng cho lớp thượng bì. Cả collagen và elastin đều có ở lớp trung bì. Collagen chịu trách nhiệm về sức căng của da, trong khi elastin giúp da mềm mại và có khả năng phục hồi hình dạng ban đầu sau khi bị căng ra.

2.3 Cảm giác

Các đầu tận dây thần kinh trong da thượng bì của bạn cho phép bạn cảm nhận các cảm giác khác nhau, như áp lực, đau đớn, nhiệt, lạnh và ngứa.

2.4 Tiết mồ hôi

Tuyến mồ hôi ở lớp trung bì tiết mồ hôi qua các lỗ chân lông trên da, giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.

3. Lớp hạ bì (lớp dưới cùng của da)

Lớp hạ bì có các chức năng sau:

3.1 Bảo vệ cơ thể của bạn:

Mô mỡ dưới da cho phép da của bạn trượt nhẹ nhàng qua các mô và cơ phía dưới. Nếu thiếu mô dưới da, da của bạn sẽ chà xát trên các mô và cơ đó. Nó cũng hoạt động như một lớp giảm sốc để bảo vệ các cơ quan, cơ và xương của bạn khỏi tổn thương.

3.2 Kết nối

Lớp hạ bì kết nối lớp bì với lớp cơ và xương.

3.3 Dự trữ năng lượng

Mô mỡ dưới da cấu tạo từ các tế bào mỡ (adipocytes), chứa năng lượng.

3.4 Điều chỉnh nhiệt độ cơ thể

Mỡ trong lớp hạ bì giúp bạn không bị lạnh hay nóng quá mức.

Da có màu sắc như thế nào?

Màu sắc của da được quyết định bởi melanin, một loại sắc tố do các tế bào melanocyte trong da sản xuất. Sự khác biệt về màu da giữa các cá thể có sắc tố sáng và tối là do mức độ hoạt động của tế bào melanocyte. Loại melanin phổ biến nhất là eumelanin, chịu trách nhiệm cho màu nâu và đen của da. (2)

Da là gì? Cấu trúc, chức năng vai trò của da đối với cơ thể người
Màu sắc của da được quyết định bởi melanin

1. Cách xác định màu da

Mỗi người đều có số lượng melanocytes (các tế bào sản xuất melanin) gần như giống nhau. Tuy nhiên, yếu tố di truyền quyết định lượng melanin được sản xuất và cách nó phân phối trong da.

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời kích hoạt sản xuất melanin, làm da có màu rám nắng. Melanin bảo vệ da khỏi tia nắng mặt trời, tránh bỏng mặt và bức xạ UV gây ung thư. Người có da sẫm màu sẽ có melanocytes hoạt động mạnh hơn so với da trắng. Bên cạnh đó, khi cơ thể không sản xuất melanin, sẽ dẫn đến bệnh bạch tạng.

2. Các yếu tố khác quyết định màu da

Bên cạnh melanin, một số yếu tố khác quyết định đến màu da như:

  • Carotene: một loại sắc tố màu vàng cam có trong cà rốt. Nếu bạn ăn nhiều thực phẩm chứa carotene, da có thể chuyển sang màu vàng cam. Ngoài ra, khi bị bệnh về gan, da cũng có thể chuyển sang màu vàng.
  • Hemoglobin gắn oxy: nếu máu không đủ oxy, da sẽ trở nên nhợt nhạt, xám hoặc xanh. Những người có da sáng, có màu hồng hào trên da do có nhiều hemoglobin gắn oxy trong máu.
  • Lưu lượng máu: da màu nhợt nhạt cũng xảy ra nếu bạn thiếu máu, huyết áp thấp hoặc lưu thông máu kém. Ngược lại, da có màu đỏ lên nếu các mạch máu trong da giãn nở do sốt, dị ứng hoặc viêm.

Những tình trạng bệnh về da thường gặp

Một số bệnh về da thường gặp như sau:

  • Dị ứng như viêm da tiếp xúc và phát ban.
  • Bóng nước.
  • Các vết cắn của côn trùng như muỗi, nhện, bọ ve,…
  • Ung thư da.
  • Nhiễm trùng da.
  • Các rối loạn về da như mụn trứng cá, chàm, bệnh vẩy nến và bệnh bạch biến.
  • Các tổn thương da, chẳng hạn như nốt ruồi, tàn nhang và mụn thịt dư.
  • Vết thương, vết bỏng (kể cả cháy nắng) và sẹo.
Da là gì? Cấu trúc, chức năng vai trò của da đối với cơ thể người
Một số bệnh về da thường gặp như: vẩy nến, phát ban, khô da,…

Điều gì xảy ra khi da bị tổn thương?

Khi da chịu tổn thương, nhiều thay đổi sẽ diễn ra:

  • Da trở nên khô ráp, nứt nẻ và chảy xệ.
  • Da dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như ánh nắng mặt trời, biến đổi nhiệt độ và dễ bị nhiễm trùng.
  • Màu da thay đổi trở nên sạm màu.
  • Collagen và elastin dưới da bị phá hủy, làm da yếu đi và lão hóa nhanh chóng.
  • Nếu không được bảo vệ bởi kem chống nắng, nguy cơ mắc ung thư da có thể tăng lên.
  • Xuất hiện các triệu chứng khác như da khô, ngứa, sưng đỏ trên da, các mảng da mặt sần sùi, da bong tróc, sưng tấy.

Làm thế nào để bảo vệ làn da khỏe mạnh?

Khi tuổi tác tăng lên, da của bạn mất đi collagen và Elastin, làm cho lớp da ở giữa (lớp trung bì) trở nên mỏng đi, dẫn đến chảy xệ và nếp nhăn xuất hiện. Dù không thể ngăn chặn quá trình lão hóa hoàn toàn, nhưng có những biện pháp giúp da của bạn khỏe mạnh hơn:

  • Hãy thoa kem chống nắng hàng ngày (kể cả ở trong nhà). Chọn loại kem chống nắng có chỉ số chống nắng phổ rộng (SPF) tối thiểu 30.
  • Tránh tắm nắng vì sẽ gây tổn thương da, làm da lão hóa và dẫn đến ung thư da.
  • Hạn chế căng thẳng vì sẽ làm da trở nên tệ hơn.
  • Thực hiện kiểm tra da và nốt ruồi thường xuyên để phát hiện sớm những thay đổi có thể là dấu hiệu của ung thư da.
  • Ngừng hút thuốc và sử dụng các sản phẩm thuốc lá. Nicotine và các hóa chất khác trong thuốc lá và thuốc lá điện tử có thể làm da lão hóa nhanh hơn.
  • Sử dụng chất tẩy rửa nhẹ nhàng để rửa mặt vào buổi sáng và buổi tối.
  • Sau khi tắm cần thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên để ngừa tình trạng da khô.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên gặp bác sĩ nếu gặp một số tình trạng sau đây:

  • Thay đổi về kích thước, màu sắc, hình dạng hoặc đối xứng của nốt ruồi.
  • Da có sự thay đổi.
  • Vết cắn của côn trùng sau khi bôi thuốc, dùng băng gạc nhưng không lành.
  • Vết bỏng nặng, phồng rộp.
  • Dấu hiệu của nhiễm trùng da như các mảng đỏ hoặc chảy dịch vàng.
  • Phát ban da hoặc gặp phải 1 số tình trạng da không rõ nguyên nhân.

Da có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi các tác động từ bên ngoài và tham gia vào nhiều quá trình sinh lý quan trọng. Do đó, việc chăm sóc da không chỉ giúp bạn trở nên tự tin hơn về ngoại hình, mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe toàn diện. Ngoài ra, nếu bạn gặp các vấn đề nào về da cần đến bác sĩ da liễu - thẩm mỹ da để khám và điều trị kịp thời tránh gây nguy hiểm nghiêm trọng.