Đơn vị:

Hoa anh túc là gì? Hoa anh túc có bị cấm ở Việt Nam không?

Bùi Việt

Hoa anh túc là gì? Hoa anh túc có bị cấm ở Việt Nam không?

Hoa anh túc là gì? Hoa anh túc có bị cấm ở Việt Nam không? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Hoa anh túc là gì? Hoa anh túc có bị cấm ở Việt Nam không?

Hoa anh túc (hay còn gọi là a phiến, á phiện, thuốc phiện, thẩu, trẩu), là loài thực vật có tên khoa học là Papaver somniferum L., thuộc họ Anh túc (Papaveraceae).

Trong y học dùng cho giảm đau tốt nhất trong các loại dược liệu cả Đông lẫn Tây y. Tuy nhiên, chiết xuất của cây này làm gây nghiện nặng cho nên ngành y học khuyến cáo không nên dùng trong các trường hợp thông thường, phải có sự chỉ định chi tiết và giám sát trực tiếp của bác sĩ.

Với đặc tính như là thuốc phiện, hoa anh túc được xếp vào loại cây có chứa chất ma túy theo khoản 6 Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy 2021.

Đồng thời tại Nghị định 57/2022/NĐ-CP, Việt Nam cấm tuyệt đối việc sử dụng thuốc phiện và các chế phẩm từ thuốc phiện trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền cho phép nếu thuộc các chất được quy định tại Danh mục III.

Do đó, hoa anh túc là loại thực vật bị cấm sản xuất, lưu hành và sử dụng dù ở bất kỳ dạng tồn tại nào trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Trồng hoa anh túc có bị phạt tù không? Phạt tù bao nhiêu năm?

Như đã đề cập ở trên, với đặc tính như là thuốc phiện, hoa anh túc được xếp vào loại cây có chứa chất ma túy, do đó cá nhân có hành vi trồng hoa anh túc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy theo Điều 247 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), cụ thể:

(1) Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

(2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

- Có tổ chức;

- Với số lượng 3.000 cây trở lên;

- Tái phạm nguy hiểm.

(3) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

(4) Người nào phạm tội thuộc (1), nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Như vậy, cá nhân trồng hoa anh túc kể cả mục đích gì thì có thể bị phạt tù thấp nhất là từ 06 tháng đến 03 năm và cao nhất là từ 03 năm đến 07 năm. Ngoài bị phạt tù, cá nhân còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Tuy nhiên nếu trước khi thu hoạch hoa anh túc mà cá nhân đã tự nguyên phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền (tức không có lệnh hoặc cưỡng ép phá bỏ, giao nộp) thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

10 chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy

Sau đây là 10 chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy:

(1) Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống ma túy; kết hợp với phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác.

(2) Tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng, chống ma túy; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy.

(3) Ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma túy cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về ma túy.

(4) Cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, người làm công tác cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ.

(5) Bảo vệ, hỗ trợ cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia phòng, chống ma túy.

(6) Quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy; khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện ma túy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; khuyến khích cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy.

(7) Bảo đảm kinh phí cai nghiện ma túy bắt buộc; hỗ trợ kinh phí cai nghiện ma túy tự nguyện, kinh phí quản lý sau cai nghiện ma túy.

(8) Tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư vào hoạt động cai nghiện ma túy, hỗ trợ quản lý sau cai nghiện ma túy, phòng, chống tái nghiện ma túy được miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

(9) Khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ứng dụng công nghệ cao trong phòng, chống ma túy.

(10) Khen thưởng cá nhân, tổ chức, cơ quan có thành tích trong phòng, chống ma túy.

(Điều 3 Luật Phòng, chống ma túy 2021)